Nhà văn Bảo Ninh. |
Sau khi đọc một mạch đến dòng cuối tự truyện Lê Vân yêu và sống, suy nghĩ đầu tiên của tôi là muốn có lời xin lỗi mấy ông nhà văn ở Nhà Xuất bản Hội, ông Trung Trung Đỉnh chịu trách nhiệm bản thảo và ông Tạ Duy Anh biên tập. Bởi vì thú thực là khi chưa đọc, chỉ mới cầm cuốn sách lên giở qua, thấy tên hai ông ấy ở bìa sau tôi đã có ngay trong đầu một sự chỉ trích: Quái thật, cái gì cũng in, thế mà cũng là nhà xuất bản của giới nhà văn! Dù mới là trộm nghĩ thế thôi chứ chưa nói ra lời với ai, tôi vẫn thấy chán cho mình vì đã nghĩ vậy. Một ý nghĩ hoàn toàn vô căn cứ mà nặng nề định kiến làm sao, nông nổi và cạn xợt lại già cỗi làm sao.
Bìa cuốn tự truyện "Lê Vân yêu và sống". |
Mặc dù có cuốn tự truyện này từ rất sớm nhưng tôi mãi không đọc. Chính bởi hai chữ "tự truyện" mà không muốn giở cuốn sách ra. Tự truyện là nghĩa làm sao? Thật kỳ cục là tôi đã tự hỏi như vậy. Cho tới khi đã đọc xong Yêu và sống, tôi mới ngẫm ra và nhớ ra rằng trong số những tác phẩm văn xuôi Việt Nam mà bản thân mình yêu thích nhất có không ít tự truyện: Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Chiều chiều của Tô Hoài... Có thể sự ngần ngại của tôi đối với hai chữ "tự truyện" là bởi tôi liên tưởng và nghĩ lẫn tự truyện với hồi ký, một thể loại tôi không thích đọc.
Tuy nhiên ngay cả có nghĩ lẫn như vậy thì tôi cũng đã quên mất rằng trong số những tác phẩm văn xuôi Việt Nam mà bản thân mình yêu thích nhất có hai cuốn thuộc thể loại ấy: Nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong và hồi ký Tây Nguyên ngày ấy của bác sĩ Lê Cao Đài, Viện trưởng Quân y viện 211.
Những độc giả khác tất nhiên có lựa chọn khác, song chắc là trong kiến thức văn chương của mỗi độc giả văn học Việt đều có ít nhất một cuốn tự truyện hoặc một cuốn hồi ký. Văn chương không hư cấu, viết cụ thể về một con người có thật và đương thời, với nhân vật đích danh, là một thể loại đã xuất hiện từ lâu ở ta với số lượng tác phẩm không nhỏ, trong đó có những tác phẩm xứng đáng là hạng nhất của nền văn học, ấy thế nhưng không hiểu bởi duyên do làm sao mà thể loại ấy lại không được chú trọng và đánh giá cao ở ta. Trước tiên là các nhà văn, hầu hết đều thờ ơ, bỏ qua, không viết dạng văn này. Thật đáng tiếc. Tại sao phải điên cái đầu để hư cấu cơ chứ, khi mà trong sự đời hoàn toàn không hư cấu có vô vàn chuyện tuyệt hay để viết.
Nhà thơ Bùi Mai Hạnh mà nay đích thị là một nhà văn, tác giả văn xuôi, đã viết một cuốn sách hay. Hay như thế nào thì mong sao một nhà phê bình đồng cảm với chúng tôi, những người ưa thích cuốn sách, sẽ phân tích, sẽ lập luận kỹ lưỡng rành rẽ để chỉ ra những ưu điểm của tác giả và tác phẩm, còn chúng tôi, độc giả, chỉ biết một chữ "hay" để thể hiện cảm nhận của mình.
Khi đang đọc Lê Vân yêu và sống của Bùi Mai Hạnh, tôi chẳng còn biết rằng chị đang viết ở thể loại văn chương gì, tự truyện hay tiểu thuyết, mà hoàn toàn nhập tâm và lôi cuốn theo câu chữ. Văn của tác phẩm rất hay. Khó tính thì có thể chê đoạn này đoạn khác song cũng phải là một hồi lâu sau khi đã gấp sách lại. Rất nhiều trang Yêu và sống xô cuốn độc giả vào sự hồi tưởng của chính bản thân mình, mường tượng lại những năm tháng của chính mình cho dù mình chẳng liên quan gì và chẳng giống gì những nhân vật trong tác phẩm, rất nhiều trang bắt buộc độc giả phải tự ngẫm.
Cũng phải nói thêm rằng trong khi đọc tự truyện này, với tôi nghệ sĩ Lê Vân đơn thuần là một nhân vật của tác phẩm ấy. Dĩ nhiên tôi cũng biết ngoài đời chị là một diễn viên điện ảnh có tài và cũng từng xem Chị Dậu với Bao giờ cho đến tháng Mười, nhưng quả thật chỉ thế thôi. Cho nên tôi và chắc là chẳng riêng tôi đã không vì Lê Vân mà đọc Yêu và sống, không vì ngưỡng mộ, thán phục hay trái lại vì ghét, càng không vì tò mò và muốn thóc mách mà đọc.
Tôi hình dung rằng Lê Vân tâm tình và lần hồi kể chuyện đời mình cho nhà văn Bùi Mai Hạnh nghe. Nhà văn sử dụng những lời kể của Lê Vân thành "khối tư liệu" để viết thành tác phẩm. "Tôi" trong tác phẩm là Lê Vân, dĩ nhiên, song cũng là cả cái Tôi của nhà văn. Nhiều nhà văn khác cũng đã viết tác phẩm của mình trên cơ sở hoàn toàn "người thật việc thật" như thế. Thành ra những ý kiến cho rằng Lê Vân yêu và sống là một sự tự đánh bóng, là sự chơi trội của Lê Vân rõ ràng là ý kiến võ đoán và không công bằng, chí ít là chẳng liên can gì tới thực chất của cuốn sách.
Thú thực là trước đây, do một định kiến trời ơi đất hỡi không đâu vào đâu, tôi đã có một cách nghĩ rất phũ và vô lý về giới nghệ sĩ biểu diễn, những ngôi sao, những con người của công chúng. Thế nhưng Lê Vân trong Yêu và sống đã khiến loại người có kiểu nghĩ như tôi phải thay đổi lập tức cách nghĩ.
Tuy nhiên cuốn tự truyện và tác giả Bùi Mai Hạnh cũng có những cái dở rành rành. Trong Yêu và sống của Lê Vân thì "sống" được viết hay hơn "yêu". Yêu, qua các trang sách khiến người đọc có cảm giác là đã được tác giả viết kém sinh động hơn nhiều so với lời kể của Lê Vân.
Nhưng đặc biệt không hay, làm giảm giá trị của tác phẩm, là những đoạn nhà văn Bùi Mai Hạnh thể hiện hình ảnh người cha của Lê Vân, nghệ sĩ Trần Tiến. Nhân vật người cha là một thất bại của cuốn tự truyện, một sự non yếu rõ ràng của nhà văn.
Hầu hết những độc giả tương tự như tôi, ngoại đạo với giới nghệ sĩ, không biết gì nhiều về nghệ sĩ Trần Tiến. Những "thông tin" đầu tiên về ông đến với chúng tôi chính là ở cuốn sách này. Có thể thấy là Lê Vân đã kể đúng như vậy với nhà văn, các chi tiết đáng buồn, đáng sợ, rành rành từng nét, từng lời, từng cử chỉ và cư xử của người cha, và nhà văn hẳn là cũng đã viết lại chính xác khách quan những lời kể ấy. Tuy nhiên chính sự "khách quan" ấy lại cho người đọc thấy rõ thái độ thiếu khách quan và cách nhìn người nhìn đời còn rất thiếu tầm của tác giả đối với không chỉ nhân vật người cha mà cả nhân vật Lê Vân.
Lê Vân và chắc chắn là cả Bùi Mạnh Hạnh phải thừa hiểu rằng một nghệ sĩ cỡ như Trần Tiến chẳng những không phải là dân cạo giấy mà còn không phải là đám trí thức muôn đời và trăm vẻ phải đạo. Những chuyện mà Lê Vân tâm tình về cha mình với Bùi Mai Hạnh, giới nghệ sĩ không phải không biết, có khi còn biết nhiều hơn, nhưng không ai đánh giá về nhân phẩm của người nghệ sĩ lớn ấy theo cái cách mà Bùi Mai Hạnh muốn độc giả ngoài giới cảm nhận.
Càng thô vụng hơn nữa khi ở những trường đoạn rất quan trọng này của tình cha con, nhà văn đã không hiểu hoặc đã không thể hiện được sắc thái tuy hai mà một giữa nỗi oán thán vô hạn và niềm thương yêu vô hạn của những con người vô hạn yêu thương nhau. Hai cha con họ là như vậy đấy, Trần Tiến và Lê Vân, có điều người đọc hiểu sự "tuy hai mà một" ấy từ suy luận gián tiếp qua những đoạn khác của cuốn sách và rõ là ngoài ý muốn của tác giả.
Tự truyện Lê Vân còn có đôi điều "bất cập" khác nữa. Chẳng hạn tại sao, cha mẹ, các em gái của Lê Vân thì nêu đích danh, còn hai phần ba số những người đàn ông sâu nặng với đời Lê Vân lại ẩn danh? Hay là, mặc dù tự truyện sinh động bởi rất giàu chi tiết chân thực và thuyết phục, nhưng khi bàn về ngành điện ảnh và giới nghệ sĩ điện ảnh, làm bằng cứ cho những lời chỉ trích gắt gắt và nghiêm trọng (mà chắc là cũng đúng) thì lại đưa ra rất ít chi tiết và tên tuổi đích danh?
Theo tôi đấy là những hạt sạn và chắc là còn nhiều nữa của Lê Vân yêu và sống. Tuy nhiên, dù có thế, đây vẫn là một tác phẩm văn học hay, đích thực văn học và rất đáng đọc. Tác phẩm này chắc chắn sẽ góp phần khôi phục lại vị thế của tự truyện trong văn chương nước mình. Các nhà văn sẽ có thêm một hướng đi hay, khó khăn nhưng thú vị và hấp dẫn ngòi bút.
Bảo Ninh
(Theo Văn Nghệ Trẻ)