![]() |
Duy Chinh (phải) và Khánh Trình (trái): ''Chu choa, mấy em bé ở đây dễ thương quá!''. |
"Bé ơi, bé bú đi! Bé mà không bú thì tội anh lắm, anh không biết làm gì đâu", Phạm Nguyễn Duy Chinh, sinh viên lớp A4, K42B, thuộc nhóm sinh viên tình nguyện ĐH Ngoại thương cơ sở 2 đã phải "khổ sở" năn nỉ như thế trong lần đầu tiên tập làm "vú em" tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, TP HCM. Lúc đầu, Chinh cũng rất đắn đo, không biết có nên nhận công việc này không vì theo Chinh: "Con trai đâu có kinh nghiệm trong chuyện này !". Nhưng sau khi đã nhận lời thì Chinh lại cảm thấy: "Mỗi lần làm việc 3-4 tiếng đồng hồ là quá ngắn ngủi khi được ở bên các em".
![]() |
Những "bảo mẫu" sinh viên. |
Nhóm sinh viên tình nguyện "Vì đàn em" của ĐH Ngoại thương cơ sở 2 được thành lập từ tháng 9/2003, tiếp tục hoạt động trong chiến dịch Mùa hè xanh 2004 vừa qua. Không chỉ vậy, suốt năm học 2004-2005 này, các sinh viên vẫn tiếp tục dành buổi sáng thứ bảy hàng tuần để đến với các em. Tại đây, các bạn đã thực tập công việc của bảo mẫu trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh: cho bú, cho ăn, thay tã. Những bạn đã quen với việc "chăm em" ở nhà thì khá thành thạo với công việc.
Võ Thị Trang (K42) chính là một trong những "bảo mẫu có kinh nghiệm" ở đây. Bé nào đang "nhè", chỉ cần Trang dỗ dành một lúc là nín ngay. Bé Thạnh đang khóc đến đỏ cả mặt, vậy mà chẳng mấy chốc lại ngủ ngoan trong lòng Trang. Trang thổ lộ: "Nhà Trang có đến 2 đứa em nên cũng quen với công việc này. Trang thích trẻ con lắm". Một số sinh viên khác, dù chưa "chăm em" lần nào, nhưng chỉ sau vài lần bỡ ngỡ "học việc" dưới sự chỉ bảo tận tình của các bảo mẫu ở trung tâm và các bạn có kinh nghiệm hơn, lại đâm ra... "ghiền" các bé.
Nguyễn Phan Tỷ Muội, sinh viên lớp A5-K42B tâm sự với Thanh Niên: "Lúc đầu, mình chẳng biết làm gì cả, đến độ khi nghe các bé khóc mình rất muốn dỗ dành, nhưng thấy các em non nớt bé bỏng quá lại không dám bồng lên... Cuối cùng, mình cũng thu hết can đảm để ẵm bé lên. Bé cười! Lúc đó, mình thấy sung sướng kỳ lạ".
"Sinh viên Ngoại thương mà, chỉ làm công tác xã hội được bấy nhiêu thôi", Nguyễn Khánh Trình (A7 - K42B) khiêm tốn nói. Thật ra, những điều các bạn làm đâu có thể chỉ dùng từ "bấy nhiêu" mà nói lên hết được? Các bạn đã đến với các em bằng chính tấm lòng yêu thương của mình. Các bạn sẽ đem theo tình yêu thương này để bước vào đời, trở thành những nhà kinh doanh trẻ, giàu ý thức cộng đồng và biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.