Đại lý bảo hiểm không còn trong tầm ngắm của người lao động. |
Theo số liệu 3 tháng đầu năm của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, số lượng đại lý bảo hiểm nhân thọ lại tiếp tục “ra đi”. “Tổn thất” cao thuộc về Prudential (38,96%), AIA (-40,70%), Bảo Việt (-9,26%). Toàn thị trường “mất” đi 21,11% số lượng đại lý. Theo giải thích của một công ty, sau thời gian tăng trưởng, các công ty đang chấn chỉnh lại đội ngũ đại lý. Tuy nhiên, thực tế nhiều đại lý “ra đi” khiến thị trường bảo hiểm đã kém vui lại càng buồn.
Ba tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm (gồm doanh thu phí bảo hiểm mới khai thác và doanh thu phí bảo hiểm tái tục) toàn thị trường chỉ tăng 8,35%. Về số lượng hợp đồng khai thác mới, đối với sản phẩm chính toàn thị trường chỉ tăng 11,51%. Tuy nhiên, xét số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ thì đa số các công ty bị “âm”, đối với riêng nhóm sản phẩm chính, AIA giảm -0,86%, Bảo Việt: –0,97%, Manulife: -2,54%, trung bình toàn thị trường chỉ nhích lên được 0,74%.
Các con số có thể hiện sự tăng trưởng, nhưng đây là sự tăng trưởng so với năm 2006, mà 2006 là năm có mức tăng trưởng thấp nhất trong 4-5 năm trở lại đây của thị trường bảo hiểm nhân thọ.
"Năm 2006, hơn 400.000 hợp đồng bị huỷ, phần lớn do không có mặt tư vấn của đại lý bảo hiểm. Đa số đại lý đã “bỏ rơi” khách hàng khi họ gặp khó khăn (thí dụ như gia hạn hợp đồng)"
Nhưng cũng không thể phủ nhận sự “vùng vẫy” của các doanh nghiệp qua sự tăng trưởng này. Theo ông Trần Thế Huy, Tổng giám đốc Dai-ichi Việt Nam, trước khi đi đến thương vụ mua Bảo Minh-CMG đầu năm nay, Dai-ichi đã nghiên cứu kỹ thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. “Chúng tôi mua vì thấy rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tiềm năng và nhu cầu còn rất lớn”, ông nói. Ông Lâm Hải Tuấn, Tổng giám đốc Ace Life cũng bày tỏ sự tin tưởng vào thị trường.
Vậy thì thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn vướng mắc gì mà chưa thoát khỏi cuộc “khủng hoảng” 3 năm nay?
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng bộ môn bảo hiểm, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng bảo hiểm nhân thọ chỉ đang nằm trong “nhịp dừng” của giai đoạn tăng trưởng, không phải là khủng hoảng, cũng chẳng phải bão hoà, mà sẽ tăng trưởng lại.
Theo ông, có 3 lý do cho thấy bảo hiểm nhân thọ đang sẵn sàng biến chuyển. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định và cao. Theo số liệu năm 2005, bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 1,7% GDP. Phí bảo hiểm bình quân/cư dân khoảng 7 USD/người. Trong khi ở Nhật, trung bình phí bảo hiểm chiếm 9,3% thu nhập của gia đình, cho thấy tiềm năng bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn lớn.
Thứ hai, luồng kiều hối ngày càng dồi dào và là một con số đáng kể có thể đảm bảo cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được duy trì. Thứ ba, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được mở cửa sớm với tốc độ nhanh, có những nhà bảo hiểm quốc tế với tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm vào có thể tạo sự đột biến cho thị trường khi đã đủ những yếu tố cần thiết.
Thế nhưng, theo một chuyên gia, để thị trường “bật” lên được, là rất khó. “Người dân ngày càng có hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ, yêu cầu cao đối với dịch vụ và sản phẩm”, một tổng giám đốc công ty bảo hiểm nhân thọ nói. Tuy nhiên, mấy năm nay, mỗi việc làm cho người dân hiểu tính chất bảo vệ trong bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải là một công cụ đầu tư, mà các công ty vẫn không làm được.
Theo một thống kê, hơn 50% doanh thu bảo hiểm nhân thọ là từ sản phẩm An sinh giáo dục, trong đó có điều khoản cha mẹ bị sự cố gì, bé vẫn được đảm bảo thông suốt. Điều này chứng tỏ người dân vẫn mong muốn được trang bị “vũ khí” lớn nhất là bảo vệ khi ký một hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, ít công ty bảo hiểm biết rằng, năm 2006, trong hơn 400.000 hợp đồng bị huỷ, có một phần lớn hợp đồng bị huỷ bởi sự không có mặt tư vấn của đại lý bảo hiểm. Đa số đại lý đã “bỏ rơi” khách hàng khi họ gặp khó khăn (thí dụ như gia hạn hợp đồng). Hơn nữa, giờ này hầu hết các công ty còn “ngóng cổ” mỏi mòn chờ “lối thoát” từ Bộ Tài chính cho phép triển khai các sản phẩm liên kết đầu tư, đã làm người dân ngày càng lãng quên bảo hiểm, hướng đến các kênh đầu tư dễ dàng thấy được lợi nhuận.
“Một khi các sản phẩm liên kết đầu tư được khơi thông, bảo hiểm nhân thọ sẽ khởi sắc trở lại”, ông Hùng dự đoán. Theo một nguồn tin, dự kiến khoảng quý 4 sẽ xuất hiện sản phẩm này trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)