Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 10h sáng nay, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470 km về phía đông đông bắc. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ).
Từ nay đến sáng mai, bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10 km/h, nhắm đến vùng biển Trung Trung Bộ. Trong 2-3 ngày tới, bão duy trì hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thêm. Khu vực bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) gió bão mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão giật trên cấp 10, sóng biển cao 6-8 m. Biển động rất mạnh.
Về khả năng đổ bộ vào Việt Nam, các chuyên gia của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương chưa đưa ra lời khẳng định bởi bão còn ở xa, lại đang suy yếu. Tuy nhiên, trung tâm này vẫn giữ nguyên nhận định, trong hôm nay và ngày mai, bão chưa thể ảnh hưởng đến đất liền.
Cơn bão kỳ dị
Dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam tương đồng với các đài khí tượng quốc tế. Đài Hải quân Mỹ, đài TSR của ĐH London và Đài Hong Kong đều thống nhất sau khi tạo thành một thắt nút giống hình chiếc nơ, Cimaron đã có đường đi rõ ràng - hướng tây tây nam. Tốc độ bão đi nhanh hơn, đạt khoảng 10 km, chứ không rù rì 3-7 km như hai hôm trước.
Các đài quốc tế đều đồng loạt nhận định nếu hôm qua Cimaron vẫn còn là siêu bão (super typhoon) thì sáng nay đã giảm xuống chỉ còn là bão nhiệt đới (tropical storm). Bão đang vào giai đoạn cuối, cộng thêm các yếu tố không thuận lợi cho sự phát triển như nhiệt độ vùng biển lạnh, gió mùa đông bắc, vùng áp cao... nên sẽ tiếp tục suy yếu.
|
| ||||
|
|
Bão Cimron đã tiêu tốn khá nhiều giấy mực của cả báo chí và các chuyên gia khí tượng trong, ngoài nước bởi đường đi kỳ dị của nó. Kể từ khi hình thành (26/10) tại ngoài khơi phía đông Philippines, 2 ngày sau bão trở thành siêu bão (từ cấp 8 vọt lên cấp 16) và hôm nay thì giảm xuống cấp 10.
Hướng đi của Cimaron liên tục thay đổi, ngày 30/10 khi đi vào biển đông bão di chuyển hướng tây, nhắm đến bờ biển miền Trung. Một ngày sau (31/10) bão chuyển hướng tây bắc và sau đó cứ loanh quanh ở vùng biển cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 600 về phía đông. Chính sự "vòng vo" của bão đã khiến các đài khí tượng đưa ra những nhận định khác nhau.
Quản lý chặt tàu đánh cá
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Ban chỉ đạo chống lụt bão trung ương đã đôn đốc các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đề nghị phối hợp với lực lượng biên phòng và ngành thủy sản quản lý chặt chẽ tàu thuyền hoạt động nghề cá, theo dõi diễn biến cơn bão để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Sáng nay, Ban chỉ đạo nhận định, tuy bão đã giảm cấp nhưng vẫn còn mạnh. Vùng biển Đông vẫn có gió bão và biển động mạnh nên tàu thuyền phải lưu ý khu vực này. Một số tàu thuyền đã ra khơi, nhưng cần giữ thông tin liên lạc và không nên hoạt động ở phía nam của quần đảo Hoàng Sa.
(Theo VnExpress)