Cụ lấy ví dụ như cái nậm đời Khang Hy giá những 500 USD. Có chúng kể cũng "sang", cũng "hãnh diện", nhưng không có chúng cũng chẳng sao.
Chúng ta là dân ăn nước mắm, quen gói bánh chưng bánh tét, thịt mỡ dưa hành, nghĩa là có quốc hồn quốc túy khi ăn uống vui chơi, nên chơi đồ cổ nhất định trong nhà không thể thiếu đồ ta. Nếu không như thế thì sẽ lạt lẽo lắm.
![]() |
Điếu và bát vẽ Mai Hạc |
Theo 10 lời khuyên của cụ Sển được Thanh Niên trích dẫn, đồ cổ của ta ở đây không chỉ gồm đồ làm ra trong nước, mà cần phải kể cả những món ta đặt bên Tàu, bên Tây làm hồi xưa, hoặc những món dính dáng đến các chuyến xuất dương của các cụ thời khăn đóng áo dài. Ví dụ nhà nào có bộ ấm chén uống nước trà do ông bà tổ tiên đi sứ Tàu mang về, dù cho có bị lẻ bộ cũng đáng quý, thật quý, so với các thứ đồ cổ ngoại quốc khác. Vì nó thuộc "gia bảo". Nó có hồn, có "gia phả".
Cũng vậy với đồ "quốc bảo", người Việt ta cần lựa mua các tô, đĩa, chén Mai Hạc trên đó có ghi mấy câu thơ Nôm: "Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, Hạc là người quen". Thiệt thú vị và cảm khái nắm trong tay cái tô do Nguyễn Huy Trứ đặt làm có câu: "Một thức nước in trời. Đò ai chiếc lá khơi...", hoặc đĩa trà đề hiệu "Nhị sĩ nhập Đào Nguyên" (thời Tây Sơn) chẳng hạn.
Theo cụ Vương, yêu thích đồ cổ ta và có được chúng trong nhà mới đúng phép người Việt sành "cổ ngoạn", mới thật là "nhà chơi có bản lĩnh".