- Mang hài của người miền Bắc vào TP HCM, cảm giác của anh thế nào?
- Tôi tin mình sẽ thắng, không thắng thì đi làm gì. Thế thì ngồi nhà mà lĩnh lương rồi đi học kịch bản, tối tối có mặt trên sàn diễn và lĩnh bồi dưỡng.
Nhưng nói thế thôi, chứ niềm tin của tôi ngày càng cùn đi. Mọi thứ đều có thể thay đổi, trên đời này chẳng có gì là bất biến. Và lần này đi, tôi cùng các anh em, tất cả phải lao ra mặt đường mà "tiếp thị" từng vở diễn để mong có được ngày trở về hân hoan sau hai tháng xa nhà.
Tôi rất muốn có một buổi giao lưu giữa các nghệ sĩ hài hai miền Nam - Bắc. Nhưng đợi mãi chẳng thấy trong ấy ra gì cả thì mình phải vào thôi. Lần này vào, chúng tôi cũng không dám mang những tác phẩm lớn, hoành tráng mà chủ yếu là hài. Tất nhiên cũng có đủ bộ vừa bi vừa hài, Đời cười, Ai sợ ai, Ngôi nhà búp bê. Cũng phải có thứ nọ thứ kia cho khán giả đỡ ngán.
Thực ra tôi biết chắc Ngôi nhà búp bê vào Sài Gòn sẽ không ăn khách như Đời cười. Những người yêu kịch cổ điển đã thuộc lòng kịch bản Ibsen rồi. Bi kịch của những người phụ nữ bị nhốt trong lồng nhiều hơn, bi kịch hơn. Tiền bao nhiêu đem về nhà nộp cho vợ hết, việc lớn việc nhỏ vợ cũng lo hết, ra ngoài một tí là bị cằn nhằn. Nói vui một chút là tôi không bao giờ có ý nghĩ dám ly dị Ngọc Huyền vì không có một xu dính túi trong người, vợ cho bao nhiêu biết bấy nhiêu. Nếu ra khỏi nhà tôi chỉ nói phét, hai là hai đứa con mà chỉ dính phần họ, còn đệm là của mẹ nó.
Nghệ sĩ Chí Trung. |
- Có người nói, nghệ thuật là thứ không thể chạy rông. Nếu nghệ thuật không tìm thấy khán giả thì khán giả phải tìm nghệ thuật, anh nghĩ sao?
- Nước ta chỉ có 64 tỉnh thành, và nhà hát chúng tôi là nhà hát Tuổi trẻ Trung ương, nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ khán giả 64 tỉnh, thành trên cả nước.
Thực ra, bản chất của vấn đề phải là: anh không đi tìm tôi thì tôi đi tìm anh, thế mới gặp nhau được. Cũng như trong tình yêu, phải là cả hai đến với nhau thì mới có thể trở thành tình yêu đẹp.
- Từng thành công với nhiều vai chính kịch, thậm chí là cả bi, nhưng bây giờ nhắc đến Chí Trung, người ta chỉ nói đến mỗi hài thôi, anh thấy thế nào?
- Có nhiều người bảo tôi sao lại chuyển sang hài? Ở đây phải nói ngay là tôi không chuyển, mà tôi chỉ bám vào những gì khán giả cần. Tôi không dở hơi đến mức đem đến cho khán giả những thứ mà họ đã quá chán ngán. Tôi phục vụ những gì khán giả cần. Mà khán giả đang cần gì? Họ cần sự thư giãn, giải trí. Quan điểm của tôi, một là sông, hai là biển, không là nước lợ, cái gì cũng phải rõ ràng.
- Mua vui cho khán giả rất khó, và hiện nay, như nhiều người nhận xét, sân khấu hài càng ngày càng bớt hấp dẫn hơn. Tự nhận là một "thằng hề", anh thấy sao?
- Ở đây phải xét về cả hai mặt. Một, đúng là nghệ sĩ bọn tôi đi vào lối cũ vì không có người viết hay. Chúng tôi thiếu những kịch bản hay, những vấn đề mới.
Nhưng tôi nghĩ một vế rất quan trọng, đó chính là khán giả nhàm chán bản thân mình. Càng ngày, hay vừa vừa nhưng khán giả vẫn cười sằng sặc. Nhưng đến những cái sau, dù hay hơn, sâu sắc hơn mà khán giả vẫn thấy không đáp ứng được yêu cầu của họ. Tìm được người viết hay bây giờ cực khó.
Cũng phải nói thêm, mỗi nơi, mỗi người lại có cách chinh phục khán giả khác nhau. Ví dụ trên người ta có 100 cái huyệt cười, người chọc cười vào huyệt từ chân đến rốn, người từ rốn đến cổ, còn chúng tôi, nhất định chỉ chọn những huyệt từ cổ trở lên. Đã khó chịu lại càng khó thêm đấy.
- Làm đủ nghề, từ nghệ sĩ thành dân buôn bán rồi lại xuất hiện thường xuyên trên truyền hình với vai trò MC, anh nói sao khi có người bảo anh quá tham?
- Tham à? Nếu tôi nói là tôi không tham thì là giả dối, nhưng tôi chỉ tham những gì là của mình, kiếm được bằng sức lao động của mình. Tôi đã vật lộn với rất nhiều nghề để kiếm sống, nhưng thực ra không mấy thành công. Có lẽ điều làm tôi hài lòng nhất, cũng có thể coi là thành công nhất, là khán giả tưởng tôi là người rất giàu.
Mấy chục năm lăn lộn kiếm sống, cái được của tôi là có được tình cảm của nhiều người. Hàng chục năm đi buôn xe, dân buôn chuyên nghiệp đều coi tôi là nghệ sĩ lăn lộn, họ tôi coi là người của họ tuy không giống họ, nên không bao giờ lừa tôi. Tôi không giàu, nhưng tôi không xin ai cái gì bao giờ, đó cũng là điểm để người khác nể tôi. Nhưng những nghệ sĩ giáo điều thì coi tôi là con buôn thực dụng, họ chụp cho tôi nhiều mũ lắm. Sau này, tôi thấy buồn cười, chính những người đấy lại coi tôi là những người năng động, và họ mong tôi cùng lãnh đạo đưa nhà hát Tuổi trẻ đi lên.
- Nếu có thể khái quát vài dòng về bản thân anh, vài dòng ấy sẽ là?
- Tôi là một nghệ sĩ, rất đam mê. Nhưng tôi nhanh nhẹn với nền kinh tế thị trường. Tôi thấy hài lòng với những gì mình đã có được, khán giả trân trọng, những gì tôi đã làm. Bản chất của tôi là một thằng hề, tri thức yếu, ngoại ngữ tin học thì đúng là ai cũng hơn. Hành trang vào cuộc sống của tôi rất thiếu thốn, nhưng bù lại, tôi có cái tâm, cái tầm và khoa học quản lý.
- 29 năm trong nghề, danh đã có, tiền cũng đã có, nhưng anh vẫn đi học thêm đạo diễn, để làm gì?
- Vẫn đạo, vẫn diễn, vừa đạo vừa diễn, có vai hay vẫn làm. Tôi là nghệ sĩ cơ mà. Tôi vẫn dựng vở cho nhiều đoàn, để kiếm sống và lấy quan hệ.
- Còn lo việc diễn hài của anh em trong đoàn thì sao?
- Đảm bảo cuộc sống cho anh em là một trong những điều tôi trăn trở nhất. Nghệ sĩ cũng như những người bình thường khác, phải đảm bảo cuộc sống kinh tế thì họ mới có thể yên tâm để công hiến cho nghệ thuật. Và tôi đang cố gắng để anh em có thể sống tốt. Đạo diễn Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang muốn cải tổ phương thức sản xuất mới, và với phương thức ấy, chúng tôi không phải đi nhặt nhạnh nữa mà vẫn sống được.
(Theo Màn Ảnh Sân Khấu)