Han Jung-soo, 32 tuổi, đạt được điều mà nhiều nhân viên văn phòng mơ ước: trở thành một thành viên của phong trào FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) tại Hàn Quốc. Sau khi gia nhập Shinhan Card vào năm 2018, anh tận dụng sự hỗn loạn của thị trường tài chính toàn cầu do Covid-19 gây ra, kiếm được 3,5 tỷ won (2,6 triệu USD) thông qua các khoản đầu tư vào cổ phiếu cũng như tiền điện tử trong nước và quốc tế. Han xin nghỉ việc ở tuổi 28 vào tháng 3/2021.
Ban đầu, Han tin rằng sự giàu có sẽ mang lại cho anh hạnh phúc. Là người đam mê nhiếp ảnh, anh quyết định mua chiếc máy Leica trị giá 20 triệu won, vung tiền mua giày hiệu và ăn tối tại các nhà hàng cao cấp mà không cần kiểm tra giá. Tuy nhiên, sự phấn khích đó nhanh chóng kết thúc.
"Nó chỉ kéo dài ba ngày. Tôi nhận ra rằng hạnh phúc từ của cải vật chất chỉ là phù du. Khi bạn đã quen với nó, bạn cần phải mua thứ gì đó mới để cảm nhận niềm hạnh phúc ấy một lần nữa. Nhưng theo thời gian, bạn khó cảm thấy thỏa mãn hơn", anh nói.
Thay vì coi tiền là phương tiện để mua hàng hóa, anh bắt đầu coi tiền là công cụ để đảm bảo các giá trị vô hình, đặc biệt là thời gian. "Tôi đã 'mua' được 30 năm cuộc đời nhờ đầu tư. Điều đó cho phép tôi có thêm cơ hội để thất bại và thử lại", anh nói.

Han Jung-soo cảm thấy chán nản chỉ sau ba ngày nghỉ việc và quyết định lập công ty riêng dù đạt được độc lập tài chính sớm. Ảnh: Korea Times
Cuối cùng, Han quyết định thành lập công ty sản xuất phim truyền hình Yeondu Company, nơi anh hiện làm việc hàng ngày. Quyết định này xuất phát từ ước mơ ấp ủ từ lâu là trở thành đạo diễn phim truyền hình.
"Tôi nhận ra rằng công việc và hạnh phúc không loại trừ lẫn nhau. Làm việc không chỉ là kiếm tiền", anh nói. "Trở thành một phần của phong trào FIRE thực sự khiến tôi suy nghĩ nghiêm túc hơn về ý nghĩa của công việc".
Han cũng nhận thấy một điểm chung giữa những người trẻ giàu có mà anh gặp - tất cả đều tiếp tục làm việc dù đã đạt được độc lập tài chính và có thể nghỉ hưu sớm. Han cũng đang điều hành một cộng đồng đầu tư dành cho những người sinh ra vào thập niên 1980 và 1990, yêu cầu sở hữu giá trị tài sản ròng tối thiểu ba tỷ won. Mặc dù những người này đủ khả năng chi trả cho cuộc sống nhàn rỗi cả đời, không ai trong số họ chọn sống như thế.
"Nhiều tiền không có nghĩa là bạn sẽ có một kết thúc có hậu. Cuộc sống vẫn tiếp diễn", anh nói. "Một số người ám ảnh về việc tích lũy của cải bằng cách đánh đổi sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân. Nhưng một khi đạt được tự do tài chính, họ cảm thấy bị lừa dối. Họ nghĩ tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc tối thượng, nhưng không phải vậy. Một số người thậm chí còn cho rằng họ chỉ cần kiếm nhiều tiền hơn, khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn của sự bất hạnh".
Han vừa xuất bản cuốn sách mới có tự đề Fired, do anh và Kang Ki-tae - một thành viên khác của phong trào FIRE - đồng sáng tác. Sách đi sâu vào câu chuyện của các thành viên FIRE, những người đã khám phá ra rằng chỉ tiền bạc, tài sản sẽ không đảm bảo hạnh phúc.
Sách không định nghĩa độc lập tài chính đơn giản là có đủ tiền để ngừng làm việc. Thay vào đó, nó thúc đẩy "theo đuổi sự giàu có mà không trở thành nô lệ của nó". Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Hankook Ilbo, Han tiết lộ anh viết cuốn sách này để thảo luận về thái độ của chúng ta đối với tiền bạc và triết lý đằng sau nó.
"Nhiều người trong xã hội Hàn Quốc tin tiền có thể giải quyết được mọi thứ, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy điều ngược lại. Tiền chỉ là một công cụ để đạt được hạnh phúc, và một người không nên từ bỏ các mục tiêu cá nhân vì mục đích tích lũy tiền. Tôi hy vọng cuốn sách giúp mọi người tránh bị tiền bạc kiểm soát và thay vào đó tìm thấy niềm vui trong quá trình kiếm tiền", Han nói.
Hướng Dương (Theo Korea Times)