Là bác sĩ kỳ cựu tại khoa Hồi sức tích cực, Peng Zhiyong ở Bệnh viện Zhongnan tại Vũ Hán từng chứng kiến nhiều bệnh nhân phải giành giật sự sống khi trải qua dịch SARS năm 2003 và cúm gia cầm 2016. Nhưng Peng thừa nhận không cầm được nước mắt khi chiến đấu với Covid-19, đặc biệt lúc phải từ chối những bệnh nhân nguy kịch vì thiếu giường hoặc chứng kiến cảnh người bệnh qua đời dù họ đã nỗ lực hết sức.
"Tôi không thể bình tĩnh khi đối mặt với cái chết của bệnh nhân, nhưng tôi phải cố gắng làm công việc của mình", bác sĩ Peng nói.
Trung Quốc đang dần hồi phục sau sự bùng phát của Covid-19 từ hồi tháng 1 nhưng các bác sĩ như Peng vẫn phải chiến đấu để cứu sống những bệnh nhân nặng nhất. Hồi đầu tuần, 600 bệnh nhân Covid-19 ở nước này vẫn trong tình trạng nguy kịch dù đã giảm từ mức cao nhất 12.000 ca hồi giữa tháng 2.
"Bệnh tình của những bệnh nhân này thực sự rất nặng. Một nửa trong số họ sẽ phải chiến đấu với tử thần", bác sĩ Peng nói. "Tỷ lệ tử vong của Covid-19 (khoảng 4%) thấp hơn so với SARS (khoảng 10%) nhưng một khi được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực, bệnh sẽ tiến triển nhanh và đáng sợ như SARS".
Các bác sĩ từng có kinh nghiệm điều trị SARS và Covid-19 cho biết triệu chứng của Covid-19 thường khởi phát chậm hơn nhưng khi đã biểu hiện lại tiến triển rất nhanh. Covid-19 không chỉ làm tổn thương phổi, nó còn phá hủy các cơ quan quan trọng khác như tim và gan.
Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái. Thành phố này ghi nhận khoảng 50.000 ca nhiễm, trong đó 20% là các ca nặng hoặc nguy kịch.
Khoa Hồi sức tích cực của bác sĩ Peng đang điều trị cho 20 bệnh nhân. Peng cho biết tỷ lệ tử vong với các ca bệnh nặng đã tăng lên trong 3 tháng qua, từ dưới 20% vào tháng 1 lên khoảng 30% vào tháng 3. Nguyên nhân do bệnh nhân gặp nhiều biến chứng trong thời gian dài nằm viện.
Đội ngũ của Peng gồm khoảng 200 bác sĩ và y tá. Tất cả phải học hỏi kinh nghiệm chăm sóc tích cực cho bệnh nhân Covid-19 vì đây là căn bệnh họ chưa bao giờ gặp phải. Các nhân viên y tế mất một thời gian mới có thể điều chỉnh phương pháp điều trị và kỹ thuật. Tuy nhiên, quá trình này phải đánh đổi bằng nhiều sinh mạng.
Bác sĩ Zhiyong nhớ lại bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện bị viêm phổi lạ là một người bán thực phẩm 53 tuổi ở chợ bán đồ tươi sống tại thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc. Người này nhập viện ngày 6/1 trong tình trạng nặng.
"Tôi đã cho bệnh nhân này nhập viện sau khi bị một số bệnh viện từ chối. Ông ấy đã chết nếu chúng tôi không tiếp nhận", bác sĩ Peng thừa nhận.
Một ngày sau, bệnh nhân này phải chuyển sang phòng chăm sóc tích cực. Các bác sĩ phải tiến hành điều trị theo phương pháp oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) - thiết bị giúp tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy hô hấp nặng.
Bệnh nhân này đã trải qua hai tuần điều trị tích cực và cuối cùng được xuất viện hôm 27/1 mà không phải trả chi phí cho liệu pháp đắt tiền trên.
Các bác sĩ khác trên khắp Trung Quốc cũng đồng tình rằng máy thở và ECMO đã "kéo dài thời gian" để hệ thống miễn dịch của bệnh nhân chiến đấu với Covid-19. Tuy nhiên, họ vẫn thấy rằng cần có cách tiếp cận tích cực hơn.
Du Bin, Giám đốc Khoa Chăm sóc chuyên sâu của Bệnh viện Đại học Y khoa Liên minh Bắc Kinh, cho biết ông đã chứng kiến hàng chục bệnh nhân qua đời vì nhân viên y tế trì hoãn đặt ống thở vào khí quản. Ông đã thúc giục nhân viên tiến hành quy trình này ngay khi nhận thấy các phương pháp ít xâm lấn như máy thở không có hiệu quả, mặc dù việc đó làm tăng nguy cơ các giọt bắn ra từ bệnh nhân có thể lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Các bác sĩ khác như Chen Jingyu từ Bệnh viện Nhân dân Vô Tích ở Giang Tô đã sử dụng phương pháp cấy ghép. Chen cho biết nhóm của ông đã thực hiện hai ca ghép phổi với một người đàn ông 59 tuổi vào cuối tháng hai và một người 73 tuổi vào giữa tháng ba.
"Đội ngũ của chúng tôi đã đóng góp vào thành tích đáng tự hào của tỉnh Giang Tô, nơi không có trường hợp tử vong nào trong số 631 bệnh nhân Covid-19", ông Chen nói.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 còn lại trong bệnh viện hiện là người già, hệ thống miễn dịch kém và đã phát sinh nhiều biến chứng khác.
"Tôi có những bệnh nhân đã điều trị tích cực (ICU) được hai tháng và cuộc sống của họ phụ thuộc vào máy móc. Tôi không lạc quan về tình trạng của họ", một bác sĩ từ Bắc Kinh tham gia đội tình nguyện đến Vũ Hán từ giữa tháng 1 cho biết.
"Tôi không biết khi nào có thể về nhà nhưng tôi sẽ không rời Vũ Hán cho đến khi tất cả ca nguy kịch cải thiện hoặc qua đời", bác sĩ giấu tên này nói.
Hiện Trung Quốc ghi nhận 81.620 ca nhiễm, trong đó 3.322 trường hợp tử vong và 75.571 người hồi phục. Quốc gia này cơ bản đã khống chế được dịch khi chỉ có 31 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 3/4, chủ yếu là từ bên ngoài tràn vào.
Covid-19 xuất hiện ở 204 quốc gia, vùng lãnh thổ khiến hơn một triệu người nhiễm bệnh và 53.000 người tử vong. Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 245.000 ca mắc, Italy là vùng dịch chết chóc nhất với gần 14.000 trường hợp tử vong.
Sơn Nam (Theo SCMP)