Riley lo lắng vậy vì bệnh nhân với triệu chứng nhiễm nCoV tràn ngập bệnh viện trong khi đồ bảo hộ thiếu hụt trầm trọng. "Tôi cảm thấy chúng tôi như đến đây để chết", anh nói.
Và Riley thật sự đã nhiễm nCoV. Anh bắt đầu ho, sau đó là sốt, buồn nôn và tiêu chảy. Mấy ngày sau, bạn đời của anh cũng bị bệnh. Hiện tình hình Riley và bạn đời khá hơn nhưng các triệu chứng vẫn còn.
Một người quản lý kêu gọi các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia ở Manhattan, New York, tình nguyện ra tiền tuyến vì một nửa nhân viên của phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đã nhiễm Covid-19.
"ICU đang muốn nổ tung", cô viết trong một email.
Một bác sĩ khác tại Trung tâm y tế Weill Cornell ở Manhattan chia sẻ trải nghiệm đáng sợ nhất hàng ngày là chứng kiến một đồng nghiệp ở độ tuổi 30 phải đặt nội khí quản do mắc Covid-19 nặng và tự hỏi ai sẽ là người tiếp theo.
Một bác sĩ khác ở bệnh viện lớn của thành phố New York mô tả tình trạng của các nhân viên y tế hiện như ở trong "một đĩa nuôi vi trùng", nơi có hơn 200 người bị nhiễm bệnh.
Hiện Mỹ ghi nhận 175.067 ca nhiễm virus, trong đó 3.550 người tử vong. New York là vùng dịch lớn nhất tại Mỹ, chiếm gần nửa số ca mắc và hơn 1.500 người chết. Đại dịch cũng đã bắt đầu tấn công các bác sĩ, y tá và nhân viên tại các cơ sở y tế. Trong các phòng cấp cứu và ICU, chuyên gia y tế hoang mang khi số đồng nghiệp nhiễm bệnh ngày một tăng.
Hàng ngày nhân viên đến bệnh viện, đối mặt với các phòng cấp cứu tràn ngập bệnh nhân. Hàng nghìn tình nguyện viên đã đăng ký để tham gia vào công tác chống dịch và được xem như những anh hùng. Nhưng các bác sĩ và y tá đang trong chiến tuyến nhìn vào kinh nghiệm của các nước khác và dự đoán về tương lai u tối mà họ phải đối mặt, đặc biệt là khi thiếu hụt đồ bảo hộ.
Tại Trung Quốc, hơn 3.000 bác sĩ đã mắc Covid-19, gần một nửa trong số đó ở Vũ Hán. Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về Covid-19, chết vì nhiễm virus cùng nhiều đồng nghiệp khác.
Tại Italy, số nhân viên y tế mắc bệnh gấp đôi Trung Quốc. Liên đoàn Bác sĩ phẫu thuật và Nha sĩ Quốc gia Italy đã tổng hợp danh sách 50 bác sĩ tử vong vì Covid-19. Ở Tây Ban Nha, gần 14% số ca nhiễm virus được xác nhận là các chuyên gia y tế.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của thành phố New York đang trong tình trạng ngổn ngang và rời rạc khiến việc tính tỷ lệ lây nhiễm trong các nhân viên y tế khó hơn. Người phát ngôn của Tập đoàn Y tế và Bệnh viện, cơ quan điều hành bệnh viện công ở thành phố New York, nói sẽ không chia sẻ dữ liệu về nhân viên y tế nhiễm virus lúc này.
William P. Jaquis, chủ tịch Đại học Bác sĩ Cấp cứu Mỹ, cho hay tình hình trên khắp đất nước đang dần trở nên tồi tệ khi có nhiều bác sĩ bị bệnh.
"Các bác sĩ nhiễm bệnh ở khắp nơi", ông Jaquis nói.
Tuần trước, hai y tá ở New York đã chết vì Covid-19. Họ được xem là những nạn nhân đầu tiên của Covid-19 thuộc lực lượng y tế thành phố. Các nhân viên trong thành phố lo nhiều người khác sẽ có chung kết cục như hai y tá trên.
Giống như tướng lĩnh động viên quân đội của họ trước khi chiến đấu, người quản lý ở các bệnh viện New York đã phải tập hợp, vỗ về và đôi khi đe dọa nhân viên.
"Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta đang chiến đấu với một kẻ thù vô hình gây đại dịch", ông Craig Craig R. Smith, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện NewYork-Presbyterian, viết trong một email gửi đến các nhân viên vào ngày 16/3, một ngày sau khi thành phố New York đóng cửa trường học. "Bạn phải tiếp tục chiến đấu với bất kỳ vũ khí nào mà bạn có".
"Bệnh tật là người thân chúng ta", ông Smith nhấn mạnh rằng các nhân viên y tế sẽ không được xét nghiệm trừ khi họ "có triệu chứng nặng đến mức cần phải nhập viện". "Điều đó có nghĩa là bạn phải đi làm", ông viết. "Chấm hết".
Các y bác sĩ đối mặt với sự hoang mang và hỗn loạn mỗi ngày đến làm việc. Tại một chi nhánh của hệ thống Bệnh viện Montefiore ở Bronx, các y tá chỉ mặc chiếc áo khoác mùa đông trong một chiếc lều được dựng lên để xử lý bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus. Còn tại Trung tâm Bệnh viện Elmhurst ở Queens, bệnh nhân chết trong lúc đợi giường trống.
Khi dịch vừa bắt đầu, các nhân viên y tế vứt bỏ khẩu trang và đồ bảo hộ mỗi lần họ tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Nhưng với tình trạng thiếu hụt hiện tại, họ phải tái sử dụng đồ bảo hộ nhiều lần, thậm chí cho tới khi nhàu nát.
"Điều này khiến cả chúng tôi và bệnh nhân gặp nguy hiểm. Tôi không tin chuyện này lại đang xảy ra ở Mỹ", Kelley Cabrera, y tá phòng cấp cứu tại Trung tâm y tế Jacobi, nói.
Các bác sĩ và y tá sợ rằng họ có thể lây virus cho bệnh nhân khác và biến bệnh viện thành ổ dịch. Điều này đã xảy ra ở Italy khi một số bác sĩ nhiễm virus vẫn tiếp tục làm việc tại bệnh viện ở Bergamo, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại nước này.
Nhân viên bệnh viện tuyến đầu ở New York hiện được yêu cầu đo nhiệt độ sau mỗi 12 giờ. Tuy vậy, nhiều người lo ngại có thể nhiễm virus và lây sang bệnh nhân trước khi có triệu chứng.
Việc khi nào nhân viên y tế phải quay lại làm việc sau khi nhiễm virus cũng là một thách thức của ngành y tế thành phố. Tất cả nhân viên có triệu chứng phải cách ly ít nhất bảy ngày và không còn triệu chứng trong ba ngày trước khi đi làm trở lại.
Nhưng một số nhà tuyển dụng yêu cầu nhân viên làm việc nhiều hơn. Lillian Udell, y tá tại Trung tâm Y tế Lincoln ở Bronx, cho hay cô vẫn còn mệt khi phải trở lại làm việc sau khi hết các triệu chứng nhiễm virus. Ca làm việc kéo dài và hàng trăm bệnh nhân đổ về khiến cô choáng váng. Khi về nhà vào tối hôm đó, cô bắt đầu ho trở lại.
"Tôi biết virus vẫn còn trong tôi. Tôi biết mình chưa khỏi bệnh", cô nói.
Ngoài ra, các nhân viên y tế còn đối mặt với nỗi sợ mang mầm bệnh từ bệnh viện về lây nhiễm cho người thân. Một số người không ngủ cùng vợ chồng hay con cái, thậm chí đeo khẩu trang khi ở trong nhà. Những người khác chọn cách ly hoàn toàn với gia đình và chuyển đến khách sạn.
"Vừa về đến nhà, tôi vội vã cởi bỏ quần áo cho vào máy giặt và đi tắm", bác sĩ ở một bệnh viện công tại New York nói.
Do virus đã lây lan rất rộng, ngay cả nhân viên y tế không trực tiếp làm việc với bệnh nhân Covid-19 cũng có nguy cơ mắc bệnh. Một bác sĩ phụ khoa làm việc cho hệ thống Bệnh viện Mount Sinai kể cô đã thấy vài phụ nữ đến sinh dương tính với nCoV. Vì cô không được coi là bác sĩ tuyến đầu nên việc sử dụng đồ bảo hộ bị hạn chế hơn. Và việc lây nhiễm cho các nhân viên y tế và bệnh nhân chỉ là vấn đề thời gian.
"Chúng tôi chắc chắn đã lây cho các bà mẹ mang thai mà chúng tôi đã khám và cho xuất viện", bác sĩ giấu tên trên nói.
Tuần này, Tập đoàn Y tế và Bệnh viện đề nghị chuyển các bác sĩ và y tá có nguy cơ nhiễm virus cao như những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền sang các vị trí ít tiếp xúc bệnh nhân hơn. Nhưng Kimberly Marsh, một y tá tại Trung tâm y tế Westchester bên ngoài thành phố New York, cho biết bà không có ý định rời khỏi cuộc chiến. Người phụ nữ 53 tuổi này bị bệnh đa xơ cứng và đang phải dùng thuốc.
Dù vậy bà Marsh vẫn không giấu được nỗi sợ hãi mỗi khi bước vào phòng cấp cứu. Một y tá trong khoa của bà đã nhiễm virus, còn một bác sĩ sợ đến nỗi anh ta dán khẩu trang N95 lên mặt bằng băng dính vào đầu mỗi ca. Còn bà Marsh thì ướt sũng mồ hôi trong bộ quần áo bảo hộ.
"Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng mình tiêu rồi. Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ mất vài đồng nghiệp. Không còn cách nào khác", bà Marsh nói.
Sơn Nam (Theo New York Times)