Theo bác sĩ Nguyễn Thái Sơn - Khoa tai mũi họng, Bệnh viện 175, cảm cúm do nhiễm virus đường hô hấp (mũi, xoang, họng, thanh phế quản và phổi). Nghẹt và chảy nước mũi là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Đối với người bình thường có hệ miễn dịch tốt, cảm cúm chỉ kéo dài trong vòng 7-10 ngày. Song, nếu bội nhiễm vi khuẩn hoặc hệ miễn dịch yếu, bệnh sẽ kéo dài và nặng hơn.
Kháng sinh không có khả năng tiêu diệt được virus gây cảm cúm. Bác sĩ chỉ kê đơn kháng sinh trong trường hợp bạn bị bội nhiễm vi khuẩn. Tự ý dùng thuốc, lạm dụng quá mức... sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch. Đặc biệt, phụ nữ mang thai phải hạn chế dùng kháng sinh để tránh gây dị tật thai nhi.
Vào thời điểm giao mùa hoặc thời tiết lạnh, bạn có nguy cơ mắc bệnh cảm cúm cao hơn bình thường. Muốn phòng bệnh hoặc khỏi nhanh, trước hết cần tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngay khi triệu chứng cảm cúm bắt đầu xuất hiện, bạn nên tích cực trị bệnh bằng những liệu pháp đơn giản tại nhà, không cần dùng đến kháng sinh.
Ăn uống đầy đủ và bồi bổ vitamin
Khi cảm cúm, bạn nên ăn uống đầy đủ, tránh bỏ bữa. Bên cạnh đó, cơ thể cần hấp thu vitamin C từ các loại trái cây để tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong mùa mưa hoặc trời lạnh, nên bắt đầu mỗi sáng bằng cách chế biến nước ép trái cây bổ dưỡng tại nhà. Bạn có thể sử dụng cải xoăn, bông cải xanh, rau mùi tây, táo, dưa chuột, cà rốt, cải cầu vồng Thụy Sĩ, chanh và bạc hà...
Ngủ đủ giấc
Khi bị cảm cúm, bạn nên tìm nơi yên tĩnh và ấm áp để nghỉ ngơi, thay vì gắng gượng đi làm hoặc tụ tập nơi đông người. Nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ thể cần 7-8 giờ để kích thích phản ứng miễn dịch tự nhiên. Ngủ là cách phòng ngừa nhiễm trùng hiệu quả mà bạn nên thử.
Vận động thường xuyên
Khi bạn duy trì thói quen tập thể dục, cơ thể không những khỏe hơn, mà còn lưu thông khí huyết, ngăn ngừa nhiều bệnh, bao gồm cảm cúm. Lúc khỏe mạnh, hãy làm cho cơ thể đổ mồ hôi bằng các bài tập chạy, cầu lông, nhảy dance sport... để thải độc. Những ngày cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể thực hiện các động tác yoga nhẹ nhàng.
Tránh tiếp xúc với vi khuẩn
Bạn nên tập thói quen rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa dụng cụ trang điểm và các đồ dùng trong nhà, đồ chơi của trẻ... Đặc biệt, tránh dùng chung đồ cá nhân với người khác, hay động chạm vào các đồ dùng công cộng. Nếu đến chỗ đông người, nên mang theo khẩu trang.
Làm sạch mũi hàng ngày
Vệ sinh mũi thường xuyên giúp loại bỏ chất bụi bẩn, vi khuẩn, chất dị ứng, ngăn chúng tiếp xúc với niêm mạc mũi họng. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nước biển sâu. Bởi nước biển sâu dồi dào muối khoáng và nguyên tố vi lượng, có tác dụng hiệu quả trên niêm mạc của đường hô hấp trên. Loại nước biển Adiatic tinh khiết Địa Trung Hải còn có thể phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm mũi.
Bác sĩ Thái Sơn nhấn mạnh, virus cảm cúm xâm nhập niêm mạc đường hô hấp (mũi, xoang, họng...) sẽ gây phù nề niêm mạc, xuất tiết chảy dịch, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công cơ thể. Do đó, chăm sóc và bảo vệ niêm mạc mũi họng là liệu pháp quan trọng phòng trị cảm cúm. Khi niêm mạc mũi họng được rửa sạch, cơ thể sẽ tự hồi phục và không cần thiết sử dụng kháng sinh.
An San