Thứ tư, 31/3/2021, 00:03 (GMT+7)

Bà mẹ 3 con trồng su hào mọc cành, kết 'quả'

Trồng cây, làm vườn để thỏa đam mê, chị Nguyễn Hiền (49 tuổi, sinh sống tại Australia) sở hữu loại su hào 'đột biến' với những chùm 'quả' mọc đầy quanh thân cây.

Đang ngắm hoa trong vườn, chị Hiền thấy đàn gà nhảy qua tường "ghé thăm" luống su hào đặc biệt của mình, làm gãy mất 1 cây. Chị Hiền chạy vội ra đuổi đàn gà, nhặt cây su hào có 4 "quả" lên mang vào nhà, sẵn ngày mai làm cỗ. Chùm "quả" su hào to và nặng không khác những củ su hào bình thường.

Chị Hiền chia sẻ, chị thích làm vườn, thích sáng tạo, thích có vườn sạch nhưng hơi lôi thôi theo kiểu nông dân xưa. Cả vườn và nhà chị diện tích khoảng 600 m2 được trồng rất nhiều loại rau, hoa, quả; mỗi loại chị trồng 1 luống. Khu vườn đa dạng cây cối trông giống rừng nhiệt đới.

Chia sẻ về loại su hào mọc "quả" trong vườn nhà, chị Hiền cười, nói: "Thực ra, su hào này vẫn là giống bình thường, do ăn không kịp và lười thu hoạch nên nó già, mọc thân, mọc cành và ra 'quả'. Phần ngọn để lâu sẽ ra hạt, phần mình gọi là củ, thực ra nó là thân cây phình ra. Mình cắt hạt rồi nó ra nhánh, nhánh nó phình ra thành những 'quả' su hào. Nói chung vườn là nơi để tôi thỏa sức sáng tạo".

Theo chị Hiền, nếu bình thường su hào mọc củ khoảng 2-3 tháng là có thể thu hoạch được. Nhưng khi để lâu, cây sẽ ra cành.
Về cách trồng, chị Hiền cho biết, nhà chị nuôi gà, tận dụng vỏ trứng, phân gà, đồng thời chị cũng nuôi giun lấy nước giun, ủ vỏ trái cây lên men pha ra tưới. Một phần cũng do thời tiết khu chị ở rất mát mẻ, có 4 mùa nên su hào có điều kiện thuận lợi phát triển hơn.

Hiện, vườn nhà chị có 2 loại su hào là su hào trắng và su hào tím. Su hào ra hạt được chị cắt cành, nên cây sống được mấy năm tuổi. Những cây su hào trắng được 3 tuổi, còn su hào tím chị Hiền trồng cũng được 1,5 năm. Có những cây su hào cao tới 2-4m.

"Đợt này, su hào trắng bị đàn gà tàn phá nhiều nên trông nó trần trụi, tan tác. Còn su hào tím thì vẫn đẹp, xanh mướt, có nhiều cây tôi phải lấy nạng chống cho nó vì sợ nó đổ. Thông thường mỗi cây sẽ ra khoảng 5 'quả' trở lên, có nhiều cây ra tận gần 20 chục 'quả' khiến cây siêu vẹo", chị Hiền chia sẻ.

Chị Hiền ngại ngùng cho biết, do chị lười tỉa cành, thu hoạch luôn nên cây su hào mới "đột biến", siêu vẹo như vậy. Nếu chị chăm chỉ làm giàn như những loại cây leo khác thì sẽ rất đẹp.

Mặc dù bỏ bê su hào như vậy, nhưng điều đặc biệt được chị Hiền tiết lộ, su hào cắt cành ăn rất ngon và ngọt, "quả" không bao giờ bị già, xơ hay bị gân như su hào truyền thống. Muốn cắt ăn lúc nào cũng được chứ không cần phải canh vì sợ củ già. Do trồng nhiều loại rau, củ, cả gia đình 5 thành viên ăn không bao giờ hết nên chị Hiền toàn mang cho là chủ yếu.

Ngoài su hào, bắp cải nhà chị trồng cũng "đột biến" tương tự. Chị Hiền còn trồng nhiều loại cây khác giống ở Việt Nam để mỗi khi nhớ nhà chị lại ra vườn ngắm cây. Vì theo chị, làm vườn rất thư giãn và thích thú. "Vườn lười của tôi bị chê xấu thậm tệ, ông xã làm kiến trúc sư nhiều lần can thiệp để vườn trông sạch hơn, nhưng do tôi bảo thủ và tôi thích sáng tạo nên can thiệp cũng không ăn thua. Hiện, vườn vẫn sạch theo nghĩa của tôi", chị Hiền cho hay.

Su hào mọc thành 'quả'
 
 

Lê Liên
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới