>>Lời thú tội sau cánh cổng tù
Xiêng Phênh được giảm án từ tử hình xuống chung thân vì đã khai ra đường dây Vũ Xuân Trường, chuyện đó dư luận đã biết đến.
Sau hai phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, án tử hình với Xiêng Phênh không thay đổi, anh ta bị tạm giam tại Trại Thanh Xuân, chờ ngày ra pháp trường. Thêm một ngày mới, những tử tù như Xiêng Phênh sợ nhất buổi rạng sáng. Nếu có tiếng gõ cửa độ gà gáy canh ba thì tử tù nào cũng giật mình như chạm phải điện, đó là thời khắc dẫn giải tử tù ra pháp trường...
Lường trước ngày "tận số", Xiêng Phênh ngỏ ý được gặp cán bộ trại nói điều chân thật cuối cùng. Đề nghị của Xiêng được chấp nhận. Và điều không ngờ đã xảy ra như dư luận biết đến: Xiêng Phênh khai ra đường dây tội phạm ma tuý Vũ Xuân Trường.
Những cán bộ lấy lời khai lúc đó còn nhớ, Xiêng Phênh khai xong tự nhiên phá lên cười, rồi nói bằng giọng Việt lơ lớ rằng đã nói được "hòn đá mắc họng" bấy lâu, nay có chết cũng bình thản. Tử tù Xiêng Phênh được Chủ tịch nước ân giảm án, còn lời khai này đã giúp CQĐT khám phá vụ án ma tuý lớn nhất tính đến thời điểm đó: 34 người tham gia vận chuyển trên 400kg heroin.
Trong vụ án Nguyễn Văn Tám, Lương Văn Chinh bị tuyên án tử hình ở phiên toà sơ thẩm nhưng sau khi xử phiên phúc thẩm, Chinh đã thoát án tử hình, chỉ bị phạt tù chung thân.
Lương Văn Chinh chính là mắt xích lớn trong vụ án, nhưng điều đáng nói là ma tuý đã hút nhiều người trong gia đình Chinh sa vào ngày càng nặng. Khi bị bắt, Chinh chỉ khai một số tình tiết về đồng bọn, còn người thân trong gia đình liên quan như thế nào, im bặt.
Ngày đó, Chinh là một trong những kẻ đầu tiên bị bắt khi đang vận chuyển 2 bánh heroin tại phà Lạc Quần, huyện Xuân Trường (Nam Định). Thế nhưng khi vào trại tạm giam, Chinh chỉ khai quanh quẩn ở số ma tuý bị bắt quả tang còn trước đó, gặp ai, quan hệ thế nào, vận chuyển bao nhiêu lần, không hé miệng.
Sau này, các điều tra viên phát hiện, Chinh là mắt xích nắm nhiều thông tin nhưng không khai báo do trong gia đình nhiều người liên quan, sợ khai ra sẽ bị phạt nặng. Gần 4 tháng ở trại, Chinh vẫn là bị can ngoan cố, thiếu thành khẩn.
Một mũi điều tra khai thác ngay các thông tin ở quê bị can, đồng thời CQĐT cũng cho rà soát lại các bị án ma tuý khác. Các anh bắt đầu để ý nhiều hơn tới bị án Lương Văn Bình, là anh trai của Chinh, đã bị kết án tử hình trong vụ án ma tuý khác.
Khi đó, Bình đang bị giam giữ tại Trại giam Lạng Sơn, án đã có hiệu lực pháp luật, chờ ngày ra pháp trường xử bắn. Rất có thể giữa tử tù Bình sẽ có sự liên hệ chặt chẽ với đường dây tội phạm ma tuý Nguyễn Văn Tám mà Chinh là một mắt xích. Mũi điều tra lên Lạng Sơn được thực hiện.
Lúc đó, Bình đã bị giam nhiều năm, hai lần ra tòa lĩnh án, biết không còn cơ hội làm lại cuộc đời, người Bình gày tọp. Thượng tá Phạm Văn Chình trực tiếp chỉ huy mũi điều tra khai thác can phạm Lương Văn Bình. Tuy nhiên, Bình tỏ ra chán nản, cho rằng đã khai hết và đã nói hết trước tòa, nay không còn gì khai báo thêm...
Biết tâm lý tử tù không tha thiết gì khi một lần nữa lại phải khai báo, Thượng tá Phạm Văn Chình tìm cách tác động tâm lý, động viên Bình. Qua nắm tâm lý, anh biết tử tù Bình chỉ muốn được tạm hoãn thi hành án thêm thời gian, nếu không Bình sẽ không khai báo thêm điều gì.
Đề nghị của Bình được tổ điều tra báo cáo với lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát. Sự việc được giải quyết khá nhanh, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, Chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định tạm hoãn thi hành án tử hình đối với Bình.
Trong phòng biệt giam, Lương Văn Bình reo lên khi tận mắt nhìn thấy quyết định tạm hoãn đóng dấu đỏ của cơ quan thẩm quyền. Vậy là anh ta có thêm những ngày không phải sợ sệt khi nghe tiếng gõ cửa lúc canh ba. Biết lời hứa của các cán bộ đã nói là làm, không có hứa suông, Bình bắt đầu tin tưởng cán bộ điều tra và nói với Thượng tá Phạm Văn Chình là sẽ khai báo thêm.
Bình cũng bày tỏ nguyện vọng, hiện hai anh em Bình và Chinh đều đã phạm trọng tội về ma tuý, nay Bình đã nắm án phải dựa cột, ước mong còn lại là sau khi khai báo giúp CQĐT làm rõ đường dây tội phạm ma tuý thì pháp luật giảm nhẹ hình phạt với em trai của Bình để gia đình không phải chịu cảnh cả hai anh em ruột đều phạm án chết.
Thượng tá Chình giải thích, tất cả những điều này đã được quy định trong pháp luật hình sự, đó là nếu khai báo tốt, lập công chuộc tội thì đấy là những tình tiết quan trọng được tính đến khi lượng hình phạt. Nếu Bình làm tốt điều này sẽ có cơ hội giúp em trai...
Những ngày sau đó, Bình tỏ ra rất hợp tác với CQĐT. Bình không những khai báo về em trai Lương Văn Chinh mà còn với các nghi can khác trong vụ án Nguyễn Văn Tám. Lời khai này cùng với những tài liệu, lời khai quan trọng khác đã góp phần giúp CQĐT làm sáng tỏ vụ án.
Một thời gian sau, vụ án Nguyễn Văn Tám được đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên toà sơ thẩm, Lương Văn Chinh bị kết án tử hình. Có mặt trong phiên tòa sơ thẩm, mẹ Chinh mắt đỏ hoe, gào khóc. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao đã xem xét đầy đủ các yếu tố giảm nhẹ lượng hình. Tòa khẳng định, hành vi của Chinh đặc biệt nghiêm trọng, việc tòa sơ thẩm tuyên tử hình là đúng pháp luật, đúng tội danh.
Tuy nhiên, với những khai báo quan trọng của Lương Văn Bình cũng như sự thành khẩn sau đó của Lương Văn Chinh, TAND Tối cao đã quyết định giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân đối với Lương Văn Chinh.
Trước vành móng ngựa, nghe Chủ tọa phiên toà không đọc tên mình trong danh sách các bị cáo lĩnh án cao nhất, Chinh như từ thế giới khác trở về, bị cáo tròn vo mắt và nhoẻn cười khi nghe tòa tuyên án. Chinh đã thoát tội chết. Một nụ cười hiếm hoi trên gương mặt bị cáo phạm trọng tội, dù biết người anh của mình không thể có cơ hội làm lại cuộc đời.
Trong những trường hợp khác, việc khai báo, lập công cũng có thể cứu chính mình. Vụ Nguyễn Duy Dũng, tức Dũng “Đui" thoát án dựa cột vì đã lập công khi đã bị bắt vào trại tạm giam cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong điều tra những đường dây ma tuý lớn.
Dũng cùng vợ là Nguyễn Thị Hương và một số kẻ khác ở Nghệ An buôn bán, vận chuyển ma tuý vào TP HCM. Trước khi bị bắt, Dũng là tay trùm trong thế giới ngầm buôn bán cái chết trắng, nhiều lần thoát hiểm lưới pháp luật, hắn càng tỏ ra ngạo nghễ.
Tuy nhiên, việc Dũng bị bắt lại bắt đầu từ vụ án khác: vụ Phùng Đức Thịnh. Thịnh cùng đồng bọn bị bắt quả tang khi vận chuyển ma tuý từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh. Trong trại tạm giam, Thịnh khai Nguyễn Duy Dũng khi đó Dũng “Đui" cùng vợ đang cư trú tại TP HCM. Nhân thân Dũng “Đui" được xác minh và ngày 6/5/2001, Dũng bị bắt tại Nghệ An.
Cũng giống như những mắt xích trong đường dây ma túy lớn khác, những ngày đầu vào trại, Dũng rất kín tiếng và chỉ khai báo loanh quanh một vài tên đã bị công an bắt giam. Hai lần gia hạn tạm giam, Dũng vẫn quanh co không khai báo gì nhiều ở Trại giam công an An Giang. Ban chuyên án quyết định chuyển Dũng “đui" về Trại tạm giam công an tỉnh Tiền Giang và giao cho C17, C16 phối hợp công an An Giang, Tiền Giang điều tra.
Trên thực tế, Dũng là mắt xích nắm giữ nhiều thông tin quan trọng, từ Dũng có thể mở rộng chuyên án, bắt giữ hàng loạt đối tượng liên quan. Vì vậy, Ban chuyên án xác định cần tập trung đấu tranh, khai thác Dũng. Với tài liệu sắc bén liên quan cùng sự tác động tâm lý, bấy giờ Dũng mới khai báo rành mạch toàn bộ nghi can trong vụ án.
Dũng khai, từ năm 1999 đến 2000, Dũng và đồng bọn đã mua bán 87 bánh heroin của Trần Văn Thanh, Hồ Thị Từ ở Nghệ An cùng Nguyễn Phan Bình, Lê Thanh Hiền vào bán ở TP HCM. Trước đó, Dũng cũng từng lo lót tiền hòng chạy tội cho Lê Thanh Hiền.
Cũng từ Trại giam Tiền Giang, Dũng bắt đầu khai báo đồng bọn là Ngô Đức Minh, một đối tượng có tiền án, tiền sự từ Hải Phòng và TP HCM trá hình dưới danh nghĩa công ty TNHH.
Một năm sau, tài liệu được củng cố, CQĐT bắt Ngô Đức Minh, Ngô Xuân Phương, Vũ Tiến Trưởng, Vũ Hoàng Anh, Phạm Công Giản... Ngô Đức Minh trong vòng 8 năm (1993 - 2001) đã cùng đồng bọn mua bán 104 bánh heroin rồi thuê các thủy thủ tàu viễn dương và tiếp viên hàng không chuyển đi tiêu thụ.
Xét về mặt hành vi, Ngô Đức Minh, Nguyễn Duy Dũng phạm trọng tội và án tử hình với 2 can phạm là không tránh khỏi. Tuy nhiên, chính từ các lời khai của Dũng và Minh trong trại giam đã giúp CQĐT khám phá các đường dây ma tuý lớn với hàng chục kẻ với 7 vụ án khác nhau.
Ngay như giai đoạn I, từ mắt xích của Minh đã khám phá vụ án với 20 bị can và hàng loạt tang vật phạm pháp. Sau này, chính Dũng và Minh cũng tích cực hợp tác với CQĐT, chỉ rõ thêm những kẻ liên quan khác trước đó chưa bị phát hiện...
Chính vì vậy, Nguyễn Duy Dũng đã thoát án tử hình ngay từ phiên tòa sơ thẩm. Với Ngô Đức Minh, tòa phúc thẩm tuyên án tử hình, sau được Chủ tịch nước ân giảm xuống chung thân.
(Theo Công An Nhân Dân)