![]() |
Một cổng khách sạn trên đường Trần Phú cũng được “cổ hóa". |
Hội An hiện đang sở hữu 1.107 ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm. Bắt đầu từ vài năm trước, một dãy chục ki-ốt mọc lên thẳng tắp trên đường Hoàng Diệu. Đây là những gian hàng được xây mới để cho các hộ tiểu thương thuê lại. Tường gạch tô xi măng nhưng mái và cửa lại được “cổ hóa” theo kiểu nhà xưa, đứng san sát cạnh những trụ điện thép và những căn nhà mới, trông chẳng giống ai! Những chủ ki-ốt bảo rằng hầu hết đều được thuê lại để bán đồ lưu niệm hay quần áo, vải vóc cho Tây, do đó nét kiến trúc như thế này mới “độc”, thu hút được khách nhiều hơn.
Theo Người Lao Động, bên trong khu phố cổ thuộc 4 trục đường chính là Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Lê Lợi, xu thế cổ hóa càng dễ nhận thấy. Ngay cả những hẻm sâu vốn thường được gọi là những hẻm rêu đầy cá tính của phố Hội cũng được làm cũ đi bởi những mái cổng được lợp ngói âm dương nhưng tô... xi măng. Những hàng quán nằm trong không gian nhà cổ thật, người ta dùng yếu tố “cổ” để thu hút khách đã đành, những quán mới, khách sạn mới toanh cũng xây theo kiểu cổ, cổ từ cổng vào đến tận mỗi kết cấu gỗ trong nhà. Bây giờ, Hội An đã mọc nhiều những khách sạn theo phong cách cổ, ít nhất cũng cổ ở cái cổng chào, thể hiện qua những cột gỗ được đánh véc-ni cho thẫm màu cùng dàn ngói âm dương mua về từ làng gốm Thanh Hà. Có cái khách sạn 2 mặt tiền, mặt này là nhà cổ... mới xây, còn mặt kia là nhà... bê tông cốt thép!
![]() |
Ki-ốt trên đường Hoàng Diệu (gồm 10 cái) cũng được “cổ hóa” phần mái và cửa. |
Chưa hết, nhà cổ... giả cũng được dựng lên. Hỏi nhà giả cổ ở đâu, người dân nơi này đọc ngay một loạt địa chỉ trên đường Nguyễn Thái Học - có chừng 3 nhà, đường Lê Lợi - 2 nhà, hoặc một ngôi “nhà cổ”... mới toanh trên đường Nhị Trưng, dùng để bán đồ cổ và thủ công mỹ nghệ.
Thạc sĩ Trần Ánh, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, nhận xét: “Xu hướng cổ hóa có dấu hiệu lan rộng ở Hội An. Điều này cũng đặt ra cho các nhà quản lý những bài toán mới”. Theo thạc sĩ, nếu xu thế cổ hóa được thể hiện trong những khu phố cổ chính như Trần Phú, Nguyễn Thái Học... thì càng tốt, bởi sẽ hài hòa trong một không gian tổng thể. Ngược lại, nếu “cổ hóa” một ngôi nhà, một hàng quán hay một cơ sở kinh doanh... trong một khu phố đầy nhà đúc, hoặc khu đô thị mới thì rõ ràng không thể chấp nhận, bởi nó sẽ tạo ra một sự nham nhở, kệch cỡm, làm mất đi mỹ quan đô thị, mà điều này hiện đang có không ít ở Hội An.
![]() |
Kết cấu gỗ này trông giống như một phần của ngôi nhà cổ thật, nhưng nhìn cận cảnh, đó là một kết cấu gỗ mới hoàn toàn trong một ngôi nhà giả cổ trên đường Nhị Trưng. |
Chính quyền thị xã Hội An và các cơ quan chức năng địa phương có chủ trương khuyến khích các hộ tư nhân khi làm nhà, mở cơ sở trong phố cổ nên quay về với kiến trúc truyền thống của Hội An. Đương nhiên, những ngôi nhà “giả cổ” đó không được công nhận là nhà cổ... thật!
Hiện trạng thật - giả lẫn lộn trong các ngôi nhà phố cổ tác động thế nào đến tâm lý du khách? Đến nay, chưa có cơ quan nào khảo sát, nghiên cứu và đưa ra đánh giá về điều này. Nhưng theo một cán bộ Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam, sẽ có tác động nhất định đến tâm lý du khách. Thuyết phục hơn cả là ý kiến của ông Hồ Việt, trưởng đại diện Tổng cục Du lịch tại miền Trung: “Khách thăm nhà cổ Hội An là muốn thưởng thức, tìm hiểu những giá trị tâm linh tỏa ra từ không gian nhà. Phần hồn của ngôi nhà cổ là ở những cấu kiện gỗ cũ kĩ, những mái ngói âm dương nặng trĩu thời gian. Điều này du khách không thể tìm thấy trong những ngôi nhà... giả cổ”.
![]() |
Ngay cả những hẻm rêu trên đường Nguyễn Thái Học cũng được “cổ hóa” bằng mái ngói âm dương trát... xi măng! |
Các nhà chuyên môn, nhà quản lý và ngay cả những chủ sở hữu những căn nhà hay cơ sở giả cổ đều thừa nhận một điều: Xu thế cổ hóa này hoàn toàn không phải với mục đích tạo nên một diện mạo đô thị cổ Hội An đẹp hơn, cổ kính hơn mà trước hết xuất phát từ lợi ích kinh tế. Hấp lực của Hội An là từ nhà cổ... thật, vì thế những ngôi nhà cổ giả mới xây hay những cơ sở kinh doanh được cổ hóa đều muốn dựa vào lợi thế này.
Có một điều rất dễ nhận thấy ở Hội An là khi đưa những ngôi nhà cổ (thật) vào khai thác du lịch hay kinh doanh ăn uống, lưu trú thì thu hút đông khách hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Chính những du khách Tây cũng muốn vào một ngôi nhà cổ 100% để mua đồ lưu niệm hơn là vào một ngôi nhà bê-tông cốt thép, chẳng khác nào một cửa hàng. Vì lẽ đó, “cổ hóa” trở thành phong trào.
Tuy nhiên, theo ông Fumio Sato - một nhà nghiên cứu thị trường du lịch người Nhật nhiều lần đến Hội An - lạm dụng điều trên là không nên. “Đừng để cho du khách có cảm giác như bị mắc lừa khi đến thăm một ngôi nhà thật không ra thật, giả không ra giả. Nếu “giả cổ” thành một trào lưu chỉ vì lợi nhuận, điều đó khác nào là sự ăn theo”, ông nói.