Nhà chức trách cho biết vụ nổ diễn ra có kiểm soát. Hai tòa tháp 32 và 29 tầng cao gần 100 m ở thành phố Noida, ngoại ô New Delhi đã đổ sập chỉ trong vài giây, tạo ra nhiều bụi cát và vô số mảnh vỡ. "Nhìn chung, mọi thứ đều ổn. Điều này đã xảy ra như mong đợi", Ritu Maheshwari, một quan chức chính phủ, cho biết.
"Hai tòa tháp này nằm trong top 5 công trình bị phá bỏ hàng đầu trên thế giới tính về chiều cao, khối lượng, thép và vật liệu. Chi phí cho việc phá hủy hai tòa tháp này tiêu tốn khoảng 180 triệu rupee (2,25 triệu USD)", Kỹ sư Utkarsh Mehta - thuộc công ty xây dựng Edifice Engineering, đối tác của công ty phá dỡ công trình Jet Demolition - nói.
Mehta cho biết 3.500 kg thuốc nổ đã được nhét vào hàng nghìn lỗ khoan trên cột và các khe hở của hai tòa tháp. Các chuyên gia đã sử dụng phương pháp phá dỡ theo mô hình thác nước, trong đó các phần của tòa nhà sẽ đổ sụp liên tiếp.
Joe Brikmann, Giám đốc công ty phá dỡ Jet Demolition, nói ông tin rằng sẽ không có tác hại nào đến với các tòa nhà liền kề với các tòa tháp bị phá dỡ. "Các tòa nhà ở khu vực này nằm trong vùng chịu được địa chấn cao (vùng IV) và được xây dựng để hứng chịu những trận động đất mạnh hơn nhiều so với rung chấn từ một vụ nổ. Chúng tôi tin tưởng vụ nổ hai tòa tháp sẽ không gây thiệt hại về tài sản".
Nhà chức trách đã sơ tán hơn 1.500 gia đình trong khu vực tháp đôi 7 giờ trước khi vụ nổ được tiến hành. Các tòa nhà xung quanh khu vực được gia cố giàn giáo, hàng rào, rào chắn và các tấm che để ngăn bụi và khoảng 88.000 tấn mảnh vỡ từ vụ nổ. Việc xử lý tất cả mảnh vỡ sẽ mất ba tháng.
Cư dân trong khu vực này dự kiến trở lại nhà vào ngày 28/8 sau khi các chuyên gia kiểm tra tác động của việc phá dỡ. Một số căn hộ chỉ cách nơi xảy ra vụ nổ 9 m, trong khi khoảng cách an toàn cần thiết là 20 m.
Hai tòa tháp chung cư trên được xây dựng bởi công ty tư nhân Supertech Limited có gần 1.000 căn hộ. Tuy nhiên, hai tòa tháp này chưa có người ở, do tranh chấp pháp lý kéo dài 12 năm qua giữa người dân khu vực và chủ đầu tư.
Việc đánh sập hai tòa tháp này diễn ra sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ phát hiện ra chủ đầu tư đã thông đồng với các quan chức chính phủ, vi phạm luật cấm xây dựng trong một khoảng cách nhất định với các tòa nhà gần đó. Tòa án Tối cao phán rằng việc xây dựng hai tòa tháp cũng là bất hợp pháp vì chủ đầu tư không nhận được sự đồng ý từ các chủ sở hữu căn hộ khác trong khu vực.
Theo Sách Kỷ lục Thế giới Guinness, tòa nhà cao nhất thế giới bị phá hủy bằng thuốc nổ cao 165 mét (541 feet) ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào ngày 27/11/2020.
Sơn Nam (Theo AP)