Người lao động tìm cơ hội việc làm tại một trung tâm GTVL trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình. |
Phải thừa nhận rằng, các trung tâm GTVL đã tạo nhiều cơ hội cho người lao động kiếm được công việc ổn định, có thu nhập. Tuy nhiên, một số người không có chuyên môn, thấy loại hình kinh doanh này dễ "ăn", vốn đầu tư ít đã tự ý mua sắm bàn ghế, thuê mặt bằng, trưng bảng hiệu và... đã gây ra không ít những bi kịch dở khóc, dở cười cho người đi tìm việc cũng như người sử dụng lao động.
Chị Võ Hoàng Oanh (tạm trú phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) là một điển hình của bi kịch "tiền mất tật mang" như vậy. Chị Oanh đến một trung tâm GTVL trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình) xin việc. Trung tâm này thu 50.000 đồng lệ phí nhưng không ghi phiếu thu. Theo thỏa thuận, nếu trung tâm không giới thiệu được việc như yêu cầu của chị Oanh thì phải trả lại cho chị 40.000 đồng.
Khi tìm đến doanh nghiệp do trung tâm giới thiệu, chị Oanh ngã ngửa khi biết doanh nghiệp chỉ tuyển lao động có hộ khẩu thành phố, thời gian làm việc không như thỏa thuận ban đầu, doanh nghiệp không còn nhu cầu tuyển người. Quay trở lại trung tâm, chị Oanh nhận được lời hứa: sẽ giới thiệu chỗ làm khác. Chờ hoài không được, chán nản, chị Oanh đến đòi lại lệ phí nhưng trung tâm không trả vì lý do: chị Oanh không có phiếu thu lệ phí!
Trung úy Nguyễn Đức Thọ, Công an phường 7, quận Gò Vấp, nơi tập trung trên 20 trung tâm GTVL, cho biết: "Tại 90% các trung tâm GTVL trên địa bàn phường đã xảy ra xô xát giữa nhân viên của trung tâm và người đến tìm việc mà nguyên nhân chủ yếu là tranh chấp tiền lệ phí".
Ngày 27/9, anh Nguyễn Quốc Dương (quê xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) bị 3 nhân viên của Công ty TNHH GTVL Tân Thành Long (517, Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) hành hung. Nguyễn Quốc Dương tới Công ty TNHH GTVL Tân Thành Long nộp đơn tìm việc. Qua trao đổi, công ty hứa sẽ giới thiệu cho anh Dương một công việc làm theo giờ hành chính, không đòi hỏi về trình độ và tay nghề, mức lương thấp nhất là 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên khi cầm giấy giới thiệu đến Công ty CD để phỏng vấn thì anh Dương được biết là phải làm việc theo ca, lương 1 triệu đồng/tháng. Anh Dương không đồng ý, quay lại công ty đòi lại lệ phí và được nhân viên của công ty hẹn sẽ giải quyết sau. Thế nhưng hôm đến hẹn, anh Dương tới đòi tiền thì bị các nhân viên của công ty xông vào đánh.
Không chỉ những người lao động bị lừa mà ngay cả những nhà tuyển dụng cũng khổ sở không kém với các trung tâm GTVL. Anh Dũng (ngụ đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận) đến Trung tâm GTVL trên đường Phan Xích Long tuyển người giúp việc nhà.
Ông Trần Hiếu Liêm, Phó trưởng phòng Lao động, tiền công, tiền lương (Sở Lao động thương binh và xã hội TP HCM), Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: "Hiện nay Nhà nước chưa có quy định về mức thu phí xin việc nên các trung tâm GTVL thu khoản này một cách tùy tiện. Bên cạnh đó, các trung tâm này còn có khoản thu bất hợp lý gọi là phí văn phòng (10.000 đồng/người/lượt)". Theo ông Liêm, đây là hai khoản thu đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các trung tâm GTVL nên nhiều kẻ cơ hội đã thành lập trung tâm "ma" để ăn chặn tiền của người lao động. |
Sau khi đóng trước 150.000 đồng lệ phí tuyển dụng, trong vòng 2 tháng anh Dũng được trung tâm này giới thiệu 3 người nhưng cả 3 người này đều viện lý do giống nhau để xin nghỉ việc chỉ sau 3-6 ngày đến nhận làm, dù anh Dũng trả lương đến 800.000 đồng/tháng và đối xử rất tốt. Đặc biệt, 3 ngày sau khi người giúp việc cuối cùng đòi nghỉ, anh Dũng quay trở lại trung tâm để liên hệ "xin" cử người khác thì bắt gặp chính người giúp việc trước đó của mình cũng đang có mặt tại đây. Chính chi tiết ấy đã buộc những người "đi tìm người" như anh Dũng phải đặt câu hỏi rằng phải chăng đây là một dạng "cò" của trung tâm, chuyên đến các gia đình thử việc rồi lấy cớ xin nghỉ để trung tâm thu tiền phí của người tuyển dụng?
Trước bức xúc của người tuyển dụng lẫn người đi tìm việc, từ giữa tháng 9 đến nay, 24 quận, huyện của TP HCM đã đồng loạt tiến hành kiểm tra hoạt động của các trung tâm GTVL, trong đó tập trung kiểm tra tại 5 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân. Qua kiểm tra 53 trung tâm thì có đến 43 trung tâm vi phạm.
Cụ thể: Chi nhánh 1 của Công ty TNHH Thăng Long tại số B8 Phan Văn Trị, phường7, không treo bảng hiệu, chỉ có một bộ bàn ghế, chiếc điện thoại bàn, 2 nữ nhân viên và mấy bảng tuyển dụng. Chủ chi nhánh Đoàn Thị Hạnh Phúc thừa nhận là chưa có giấy phép kinh doanh. Còn "Trung tâm Dịch vụ địa ốc và việc làm Thùy Duyên" (C21 Phan Văn Trị, phường 7) thì chỉ do một mình Nguyễn Thị Thùy Duyên đảm nhận, vừa là giám đốc vừa là nhân viên.
Không chỉ vậy, toàn bộ phiếu giới thiệu việc làm của trung tâm này đều in sai địa chỉ trung tâm. Riêng Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Khoa Nguyên sau khi "mua" lại giấy phép kinh doanh của một người khác với giá 8,5 triệu đồng thì đã táo bạo "mượn danh" Sở Kế hoạch - Đầu tư để "đánh bóng" thêm cho "thương hiệu" của mình, bằng cách "tự phong" cho trung tâm là một thành viên trực thuộc... Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM!