Bài viết của Facebooker Lê Thanh Ngân về vấn đề xâm hại, lại dụng tình dục trẻ em hiện được nhiều người chia sẻ cũng như bàn tán trên các trang mạng, diễn đàn.
"Cách đây 2 tuần mình có vô tình xem được bản tin về một bé gái hai tuổi bị xâm hại tình dục bởi người đàn ông ở cùng xóm trọ khi em bé đang ngủ trước cửa nhà. Kể từ lúc đó, mình không sao nuốt nổi bát cơm đang cầm trên tay, nước mắt chỉ chực trào ra.
Hai tuổi, em bé đó hơn con gái mình 6 tháng. Cả đêm hôm đó, mình không thể ngủ. Hình ảnh về em bé và những lời khai của tên tội phạm cứ ám ảnh trong tâm trí: 'Tôi bế con bé trở lại nhà nó khi thấy nó bất động và máu xối ra quá nhiều. Tôi tưởng nó chết rồi'.
Mình khóc. Mình đau như chính con gái mình bị vậy. Hắn bị kết án tù chung thân. Nhưng nỗi đau của em bé kia thì không có bất kỳ một loại thần dược nào có thể chữa lành.
Hai tuổi, khi mà cơ quan sinh dục còn chưa phát triển, tất cả chỉ như một mầm non chưa ra lá, chưa đơm nụ. Thứ rác rưởi đó đã làm gì với em bé vậy? Vừa rồi khi lướt Facebook, trailer bộ phim Hope của Hàn quốc tự động chạy, mình can đảm dừng tay trượt màn hình điện thoại.
Em bé trong bộ phim với thân hình gầy guộc, cơ thể bầm dập những vết thương, máu... nhưng ám ảnh hơn cả là ánh mắt của em, những ngón tay run rẩy chới với trong góc tối của khu nhà kho tồi tàn.
'Con nghĩ bố mẹ bận nên đã nhấn gọi 911' - em bé nói trước khi thiếp đi sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ ruột non, ruột già... Mình bật khóc nức nở.
Mình cũng là phận gái. Từ bé cho đến khi trưởng thành, mình hiểu và thấm thía hơn ai hết, mỗi một bé gái đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục. Ngay từ khi còn học mầm non, bản thân mình đã không ít lần tự chạy thoát thân khỏi những kẻ mang dáng dấp con người nhưng lương tâm không bằng loài cầm thú. Mà những loại rác rưởi ấy thì ở đâu cũng có thể bắt gặp. Hắn có thể chỉ là một người qua đường ghé vào xin ngụm nước, là hàng xóm, là bạn bè, con trai bạn bè của bố mẹ, thậm chí cả những người họ hàng thân thiết... Tất cả đều có khả năng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của bất kể bé gái nào chỉ trong một giây không kiềm chế nổi thú tính trong con người.
Hiếp dâm đã dơ bẩn, ấu dâm thì thực sự không còn bất cứ từ ngữ nào có thể diễn tả nổi. Mỗi bé gái là nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục hầu hết đều bị dập nát cơ quan sinh dục, cắt bỏ trực tràng, ruột non, ruột già... không thể tự đi tiểu tiện, đại tiện mà cả đời phải sống chung với hậu môn nhân tạo và ống thông tiểu...
Hai tuổi, có lẽ chúng sẽ chẳng thể nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra với mình. Chỉ biết rằng, khi lớn lên, chúng không có quyền được yêu như bao cô gái khác, không có quyền làm vợ, làm mẹ hay đơn giản chỉ là sống một cuộc đời bình thường như bản thân chúng đã từng.
Còn bố mẹ chúng thì sao? Họ sẽ chẳng biết phải làm thế nào. Họ đau không? Đau lắm. Đau đớn đến tận cùng. Day dứt tận tim gan, xương tủy. Cả đời họ sẽ sống trong nỗi giày vò và ám ảnh về tuổi thơ của con gái, họ chết cũng không thể nhắm mắt bởi đã không bảo vệ được con gái bé nhỏ vô tội của mình.
Họ sẽ không thể nghĩ được bất kỳ lý do nào để biện minh. Bận bịu? Kiếm tiền? Để làm gì vậy? Chỉ nghĩ đến câu nói của em bé trong bộ phim Hope, mình đã thấy cay xè mắt. Bố mẹ em bé bận đến độ khi bị rơi vào hoàn cảnh đó, em cũng chỉ có thể chới với tìm điện thoại gọi 911 mà không dám gọi cho bố mẹ... không ai khác, bố mẹ em cũng chính là những kẻ có tội.
Mình đã từng ước gì, bố mẹ của em bé hai tuổi - nạn nhân trong vụ xâm hại tình dục kinh hoàng nói trên đã không để em bé ngủ một mình trước cửa nhà. Ước gì họ có thể để ý, quan tâm đến em bé hơn thì có lẽ câu chuyện đau lòng này đã không xảy ra.
Mỗi ngày, tại Việt Nam, người ta thống kê được có trung bình 3 vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra. Đó chỉ là số liệu được tính toán dựa trên những vụ án được báo cáo. Không biết rằng, nếu tính được cả những vụ việc mãi mãi không được hé lộ thì nó còn lên tới con số bao nhiêu nữa.
Cách đây không lâu, vụ án một bác sĩ người nước ngoài công tác ở một bệnh viện tại Hà Nội đã xâm hại tình dục hàng chục bé trai vô gia cư đã làm rúng động dư luận. Nhưng vụ án đó mau chóng chìm vào quên lãng. Theo lời khai của hắn, cứ mỗi đêm, hắn lại lượn lờ ở khu vực hồ Gươm, chủ động bắt chuyện với những bé trai vô gia cư ngồi vật vờ ở ghế đá. Hắn cho các em tiền, làm bộ thương xót rồi dắt các em về nhà, cho các em ăn và lôi ra làm nô lệ tình dục. Không dừng lại ở đó, tên ác thú này còn dùng vô số những dụng cụ, đồ chơi tình dục khác để đánh đập hành hạ cho các nạn nhân đau đớn. Càng đau đớn, càng la hét, kêu gào, van xin bao nhiêu, hắn càng thỏa mãn thú tính bấy nhiêu. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi có nạn nhân đến trình báo tại cơ quan công an. Liên hệ đến vụ việc này để thấy rằng, không chỉ bé gái mà cả bé trai, tất cả đều có khả năng trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục khi mà ngoài kia những kẻ biến thái ngày một nhiều lên. Và dù là bé trai hay bé gái thì ấu dâm là một tội ác tày trời, đáng ghê tởm nhất trên đời.
Là một người mẹ như bao người mẹ khác mình thực sự hoảng sợ vô cùng trước thực trạng này.
Chung thân hay tử hình? Cái kết của những kẻ đã gây ra nỗi đau cho những em bé vô tội và gia đình các em quả thực là không đủ.
Chỉ có thể là chúng ta tự bảo vệ con cái chúng ta thôi. Mình cá rằng, ngoài kia vẫn còn không ít những ông bố bà mẹ vẫn thờ ơ trước những thông tin này. Vẫn còn không ít những ông bố bà mẹ vô tư đến độ không mảy may biết gì đến những mối nguy hiểm tiềm tàng luôn rình rập con cái họ. Hoặc có những ông bố bà mẹ mặc dù biết vậy nhưng vẫn chủ quan nghĩ rằng 'nó sẽ trừ con mình ra'. Chỉ đến khi con họ trở thành nạn nhân họ mới giật mình hoảng hốt. Nhưng tất cả đã muộn. Dù kẻ gây tội ác đã bị trừng phạt nhưng đứa con bé bỏng tội nghiệp của họ cũng không thể trở lại sống cuộc đời bình thường. Và rồi, họ sẽ trả lời thế nào trước những câu hỏi ngây thơ của chúng khi chúng lớn thêm lên. Rằng con bị xâm hại tình dục? Rằng tất cả là do bố mẹ mà con đến nông nỗi này? Có ông bố bà mẹ nào đủ can đảm nói điều đó với con mình không?
Thế nên, ngay bây giờ, xin các bậc cha mẹ hãy quan tâm hơn đến con em mình. Ngoài việc luôn để mắt đến chúng, hãy dạy chúng tự biết cách bảo vệ mình khi chúng bắt đầu biết nhận biết về cơ thể, cảnh giác với người lạ, hô hoán kêu gọi sự giúp đỡ hoặc tự chạy thoát thân khi có ai đó có ý đồ xâm hại vào cơ thể chúng dù là bất cứ bộ phận nào.
Và làm ơn, dừng ngay việc 'xi tè' con em mình ở những nơi công cộng để chúng ý thức được rằng 'chỗ đó' không được phép để người khác nhìn thấy ngoài mẹ hoặc bố. Thậm chí đến một độ tuổi nhất định khi con có thể tự vệ sinh thân thể thì ngay cả bố mẹ cũng phải tôn trọng quyền riêng tư của con. Nếu ngay từ khi sinh ra, việc để người khác nhìn thấy bộ phận sinh dục của mình là chuyện bình thường thì khi có khả năng bị xâm hại tình dục, chúng sẽ không thể ý thức được mình bị xâm hại nên không thể có những hành động phòng vệ và phản kháng kịp thời.
Chúng còn quá non nớt, quá yếu đuối, quá mong manh... dù chỉ là một bàn tay dơ bẩn thôi cũng đủ gây cho chúng nỗi ám ảnh và kinh hoàng suốt cuộc đời. Như cô bé mang tên Hy Vọng trong bộ phim kia đã sợ hãi ngay cả chính cha đẻ của mình kể từ sau vụ án kinh hoàng đó... Làm ơn! Hãy tự bảo vệ con em mình trước khi quá muộn".
Bài viết đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các Facebooker, đặc biệt là những người đã là cha, là mẹ. Facebooker Nguyên Hạnh bình luận: “Em nghĩ tội ấu dâm là tội ác không thể dung tha trong bất cứ hoàn cảnh và trường hợp nào. Em rất đồng tình với việc không cho bé đi vệ sinh ngoài đường. Đôi khi em nhắc nhở thì các bà, các mẹ lại lấy lý do là nó bé mà, có gì phải sợ. Tức mà không biết nói sao cho mọi người hiểu”.
Tài khoản có tên Thảo Mýt cũng bày tỏ quan điểm: “Em chẳng bao giờ dám đọc những tin về hiếp dâm chị ạ. Mình là người lớn đọc xong còn ám ảnh, huống chi bọn trẻ. Giờ đẻ con gái xong lại càng ám ảnh chị ạ. Em nghĩ sau phải cho con đi học võ để tự vệ”.
Ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục bao gồm những ham muốn tình dục đối với trẻ em dưới tuổi vị thành niên. Bên cạnh việc lên án, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho con trẻ những kiến thức để tránh khỏi các đối tượng có xu hướng lệch lạc về tâm lý tình dục. Ngày nay, việc cha mẹ vô tư chia sẻ hình khỏa thân của con trên mạng xã hội cũng có thể vô tình khiến con trở thành "miếng mồi" cho kẻ mắc bệnh.
Maruko Chan