Bola Sokunbi là giảng viên ngành Giáo dục Tài chính được chứng nhận (CFEI), chuyên gia về quản lý tiền bạc, sáng lập và CEO của Clever Girl Finance - chương trình đào tạo tài chính trực tuyến cho phụ nữ. Sokunbi cũng là tác giả của những cuốn sách bán chạy như Clever Girl Finance: Ditch Debt, Save Money and Build Real Wealth. Bài viết của cô trên trang báo tài chính kinh doanh CNBC chia sẻ 5 bí quyết tiết kiệm 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng) trong 3 năm đã trở thành đề tài được quan tâm.
"Quan sát cách làm mẹ làm việc chăm chỉ đã truyền cho tôi cảm hứng về việc sử dụng tiền bạc của mình một cách sáng suốt. Bởi vậy, ngay khi tốt nghiệp đại học, tôi đã thử thách bản thân tiết kiệm 100.000 USD để dành cho lúc tôi nghỉ hưu, các khoản khẩn cấp và đầu tư khác", Sokunbi nói.

Bola Sokunbi hiện trở thành chuyên gia tư vấn và đào tạo quản lý tài chính cá nhân cho nhiều phụ nữ.
1. Đầu tư vào tài khoản lương hưu
Điều này nghe có vẻ lạ lùng nhưng 3 trong số 4 người Mỹ thừa nhận rằng sai lầm về tài chính lớn nhất của họ là không làm quỹ nghỉ hưu từ sớm. Bola Sokunbi tìm được công việc toàn thời gian đầu tiên của mình ở tuổi 24 tại một công ty tư vấn công nghệ. Mức lương khởi điểm của cô là 5.400 USD (tương đương với 124 triệu đồng) và cô dành 15% (tức 18.600.000 đồng) để gửi tiết kiệm vào tài khoản lương hưu, với mức lãi suất 6%. Nhờ vào lãi kép và lợi nhuận thị trường tăng đều, sau 3 năm rưỡi, số tiền tiết kiệm của cô ấy đã tăng lên gần 40.000 USD (tương đương 920 triệu đồng).
Vì vậy, lời khuyên đầu tiên của Bola Sokunbi là hãy tận dụng các chương trình tiết kiệm tiền tại ngân hàng mà bạn nhận được ưu đãi. Cân nhắc việc tăng 1% mỗi quý vào tài khoản tiết kiệm nếu bạn có thể.
2. Giữ chi tiêu của bạn ở mức thấp nhất
Bola Sokunbi cho biết, trong khi hầu hết bạn bè của cô đều chuyển ra ngoài ở riêng từ bậc đại học, cô vẫn quyết định sống cùng bố mẹ. Sau 6 tháng, cô đã tiết kiệm đủ tiền để thuê một căn hộ ở New Jersey nhưng vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống đơn giản với mức chi tiêu thấp nhất có thể:
- Thuê nhà gần nơi làm việc: Cách này giúp Sokunbi không tốn nhiều tiền đi lại.
- Mang cơm hộp: Việc ăn ngoài sẽ làm Bola Sokunbi tốn khoảng 10 USD (230.000 đồng) mỗi bữa. Bởi vậy, đem cơm hộp đi làm giúp cô tiết kiệm được khoảng 2.500 USD mỗi năm (tương ứng với 57 triệu đồng).
- Không đi chơi buổi tối: Việc từ chối những buổi đi chơi tối thực sự khó khăn và cô lực chọn kết bạn với những người có chung mục tiệc tiêu tài chính. Nhờ đó, cô tránh được các cuộc vui chơi tốn kém.
- Không dùng truyền hình cáp: Trừ khi bạn là một fan hâm mộ thể thao cuồng nhiệt, nếu không bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền bằng cách không sử dụng truyền hình cáp. Thay vào đó, Sokunbi theo dõi tin tức từ các kênh miễn phí.
- Lựa chọn các gói dữ liệu mạng, điện thoại: Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy các gói ưu đãi đặc biệt giúp mình cắt giảm được kha khá chi phí.
- Giảm chi phí mua đồ tạp hóa: Bola Sokunbi đã thực hiện nghiêm ngặt quy tắc này để tránh mua những thứ không cần thiết và đồ ăn vặt.
- Hủy bỏ các thẻ thành viên không sử dụng và xem lại lịch sử tiêu dùng hàng tháng tại ngân hàng: Xem xét các dịch vụ có thể cắt giảm với suy nghĩ bạn có thể sống mà không cần tới nó. Thay vì sử dụng gói thành viên ở phòng tập thể dục, bạn hãy thử các hình thức khác như chạy bộ ngoài trời, tập thể dục tại nhà theo hướng dẫn của chuyên gia trên các nền tảng video miễn phí.

Lập kế hoạch cho tương lai luôn là điều đầu tiên mà Bola Sokunbi nghĩ đến.
3. Tiết kiệm từ 30% - 40% thu nhập của bạn
Không chỉ cắt giảm số tiền chi tiêu mà bạn còn cần lập kế hoạch tiết kiệm những đồng còn lại. Sau khi gửi 15% số tiền của mình vào tài khoản lương hưu, Bola Sokunbi đã kiếm thêm công việc bên ngoài với mức lương từ 1.350 USD đến 1.400 USD (tương đương khoảng 32 triệu đồng) để chi tiêu và tiết kiệm thêm.
"Tôi cố gắng tiết kiệm 500-700 USD từ số tiền làm thêm, cộng thêm tiền thưởng hàng năm khoảng 1.500 USD (tương đương 34 triệu đồng). Không nhiều nhưng vẫn là một thứ gì đó", Sokunbi nói.
Một mẹo khác cũng rất hữu ích. Đó là mỗi lần được thăng chức, cô vẫn duy trì mức chi tiêu định ra từ trước để có thể tiết kiệm được khoản tiền chênh lệch. Kết quả là Bola Sokunbi tiết kiệm được khoảng 18.000 USD mỗi năm (gần 420 triệu đồng). Và 3 năm sau, cô tiết kiệm được 50.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng) từ công việc toàn thời gian.
4. Bắt đầu một công việc phụ ổn định
Bola Sokunbi rất thích chụp ảnh. Và trong năm thứ hai áp dụng quy tắc tiết kiệm, cô nảy ra ý định kiếm tiền từ sở thích này của mình. Cô nhận chụp ảnh cho đám cưới, ban đầu chỉ là miễn phí. Khi được nhiều mối quan hệ thân thiết giới thiệu hơn, Bola Sokunbi bắt đầu đưa ra mức giá. Trong một vài tháng, công việc phụ này phát triển đều đặn và trở nên có thu nhập. Bola Sokunbi cố gắng kết nối với các nhiếp ảnh gia khác để tăng mối quan hệ và nhờ họ giới thiệu khách hàng mới.
Kinh doanh trong khi vẫn đi làm toàn thời gian thật không dễ dàng nhưng nhờ đó, trong năm đầu tiên, cô kiếm được khoảng 10.000 USD (tương đương 230 triệu đồng), năm thứ hai là 30.000 USD (690 triệu đồng) và tiếp tục tăng lên trong các năm tiếp theo.
Cộng tất cả các nguồn thu, số tiền trong tài khoản hưu trí cô đã hoàn thành con mốc 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng).
5. Không so sánh với người khác
Bạn có lẽ đã nghe câu nói rằng so sánh là kẻ đánh mất niềm vui, và nó thực sự là như vậy. Rất nhiều lần, mọi người chi tiền mua thứ gì đó chỉ vì người khác cũng có dù không cần thiết. Bạn không cần phải chi tiền để gây ấn tượng với bất kỳ ai. Hãy hài lòng với những gì bạn có và quên những gì người khác nghĩ đi.
Thỉnh thoảng Bola Sokunbi vẫn tự thưởng cho mình nhưng là những thứ khiến cô thực sự hạnh phúc. Cô luôn nhắc nhở bản thân lên kế hoạch cho tương lai.
Hà Nhi (Theo CNBC)