1. Tìm hiểu vị trí bảo quản từng loại đồ ăn
Hãy xem hướng dẫn sử dụng tủ lạnh. Bạn nên biết ngăn tủ nào có độ ẩm cao và ngăn nào có độ ẩm thấp hơn. Bạn cũng nên nhớ các ngăn lạnh nhất sẽ nằm ở phía sau hoặc dưới cùng của tủ lạnh. Còn cánh cửa tủ lạnh là nơi có độ ẩm cao nhất vì chúng ta hay mở nó thường xuyên.
Bạn cũng nên cho rau dễ héo vào các ngăn tủ có độ ẩm cao như rau xanh, cà rốt, bông cải, súp lơ và dưa chuột. Còn các rau có khả năng thối rữa như ớt, nấm và cả trái cây cần bảo quản ở nơi có độ ẩm thấp. Một số trái cây nhanh chín nên đặt ở ngăn riêng và tránh xa các loại thực phẩm khác.
2. Tạo ghi chú cho hộp đồ ăn với thông điệp 'hãy ăn tôi trước'
Bạn có thể tạo một ghi chú tạm thời cho hộp đồ ăn, ví dụ như "Hãy ăn tôi đi" hoặc "Ăn tôi trước tuần cuối tháng X" (X là tháng hiện tại). Với các hộp đồ có thời hạn ngắn như vậy, bạn sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo quản, xử lý đồ ăn đúng hạn thay vì nghĩ mơ hồ trong đầu như "Mình nên ăn món nào sớm".
3. Có một ngăn riêng cho thức ăn thừa
Thức ăn thừa hay bị mọi người bỏ qua cho đến khi chúng hỏng và bạn bắt buộc phải đổ chúng vào thùng rác. Một cách để bạn tránh được tình trạng này là tạo ngăn riêng hoặc khay chứa chuyên dụng cho thức ăn thừa và nằm ngay trong tầm mắt của bạn. Nếu sử dụng hộp đựng, bạn hãy chọn hộp trong suốt để nhìn thấy bên trong có gì.
4. Cấp đông bánh mì
Các món nướng rất dễ bị khô hoặc thiu. Nhưng khi bạn giữ chúng trong ngăn mát tủ lạnh, bạn có thể khiến món ăn có vị tệ hơn. Thay vào đó, cấp đông là một giải pháp thay thế tuyệt vời. Khi bạn còn thừa bánh mì, hãy cắt miếng bánh khi nó vẫn còn tương đối mới, gói nó lại và cấp đông.
Sau đó, bạn có thể rã đông các lát bánh riêng biệt hoặc cho vào máy nướng bánh mì. Nếu bánh mì của bạn không đủ tươi, bạn có thể làm bánh mì nướng thông thường, bánh mì nướng kiểu Pháp hoặc làm thành vụn bánh mì để dùng trong các món ăn khác.
5. Ghi chú danh sách các món ăn còn dư trong tủ lạnh
Một lý do phổ biến khiến chúng ta lãng phí thực phẩm vì chúng ta mua quá nhiều. Chúng ta không biết chính xác đang có những gì trong tủ lạnh và tủ trữ thực phẩm, vì vậy dễ bị các chiến thuật marketing trong siêu thị đánh lừa và bỏ tiền mua thêm đồ ăn. Cuối cùng, chúng ta mua nhiều và không biết làm thế nào để ăn hết thức ăn. Vì vậy, hãy lập danh sách các món đồ còn dư trong tủ lạnh để bạn nhìn thấy nó hàng ngày. Viết ra các loại thực phẩm bạn ăn thường xuyên nhất và số lượng mỗi loại bạn có.
6. Dán nhãn cụ thể cho hộp, lọ đựng đồ ăn
Bạn nên bổ sung thông tin vào các nhãn dán của hộp, lọ đựng đồ ăn. Đó là tên thực phẩm, ngày sản xuất (với đồ ăn bạn tự làm), hoặc ngày sử dụng với những thứ bạn cấp đông không có bao bì như thịt, cá... Bạn thêm cảnh báo về chất gây dị ứng nếu ai đó trong nhà bạn bị dị ứng.
7. Dùng túi zip trữ đồ ăn
Túi zip không chỉ để cấp đông thịt mà còn có thể trữ đông các loại rau hoặc salad làm sẵn, thảo mộc tươi, nước xốt, các hỗn hợp đặc.
8. Trữ thực phẩm theo phần, suất
Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian khi hâm nóng đồ ăn. Bạn cũng có thể chia ngũ cốc thành các phần cho bữa sáng hoặc trữ mì ống thành nhiều bữa. Điều này giúp bạn bớt lãng phí, biết mình đang cất bao nhiêu bữa ăn trong tủ lạnh, lên thực đơn, kế hoạch mua sắm phù hợp.
9. Cân nhắc giảm không gian trữ thực phẩm
Nếu không gian dùng để trữ thực phẩm bớt đi một nửa, bạn sẽ bớt lãng phí, tránh tình trạng dồn mọi thức ăn về phía sau của ngăn tủ lạnh và lãng quên nó. Vì vậy, đầu tư vào một tủ lạnh bé hơn là ý tưởng không tồi.
Hằng Trần (Theo Bright Side)