1. Sự tiêu cực
Theo tâm lý học, những người thực sự hạnh phúc có khả năng buông bỏ những điều tiêu cực. Họ không để những suy nghĩ, trải nghiệm hoặc con người tiêu cực bào mòn tâm trí và tiêu hao năng lượng. Trong thực hành chánh niệm, điều này thường được gọi là "không vướng mắc". Đó là việc quan sát những suy nghĩ và cảm xúc của bạn mà không phán xét, sau đó để chúng trôi qua mà không giữ lại.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, sự tiêu cực có thể đến từ hoàn cảnh công việc đầy thử thách, một mối quan hệ khó khăn, hoặc thậm chí là sự nghi ngờ và sợ hãi của chính chúng ta.
Những người hạnh phúc chọn không tập trung vào những khía cạnh tiêu cực này. Thay vào đó, họ thừa nhận chúng, học hỏi từ chúng nếu có thể và sau đó để chúng ra đi. Bạn có quyền lựa chọn những gì bạn chú ý đến. Và lựa chọn bỏ qua những điều tiêu cực là một bước tiến mạnh mẽ hướng tới hạnh phúc thực sự.
2. Sự cần thiết phải được công nhận
Trong cuộc sống, tìm kiếm sự công nhận từ người khác có thể là một việc theo đuổi mệt mỏi và không thỏa mãn. Đó là một cái bẫy khiến bạn không ngừng cố gắng đáp ứng mong đợi của người khác thay vì tập trung vào hạnh phúc và sự thỏa mãn của chính mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: "Con người khó buông bỏ đau khổ. Vì sợ những điều chưa biết, họ thích những đau khổ quen thuộc hơn".
Điều này có thể đặc biệt đúng khi nói đến việc tìm kiếm sự chấp thuận. Chúng ta đã quá quen với việc lo lắng việc người khác nghĩ gì về mình đến nỗi nó trở thành một dạng đau khổ quen thuộc.
Nhưng những cá nhân thực sự hạnh phúc chọn cách phớt lờ nhu cầu được chấp thuận hay công nhận này. Họ hiểu giá trị của họ không đến từ sự tán thành bên ngoài mà đến từ ý thức bên trong về giá trị và sự chấp nhận bản thân.
Lựa chọn từ bỏ nhu cầu được chấp thuận có thể mang lại sự giải phóng, cho phép bạn thực sự sống và tìm thấy hạnh phúc đích thực.

3. Sống trong quá khứ và tương lai
Một trong những chân lý cơ bản của Phật giáo là hiểu cuộc sống vô thường và luôn thay đổi. Sự khôn ngoan này dạy chúng ta phải hiện diện và tham gia trọn vẹn vào thời điểm hiện tại, thay vì đắm chìm trong quá khứ hay lo lắng về tương lai. Theo tâm lý học, những người thực sự hạnh phúc sẽ nắm lấy nguyên tắc này.
Điều này nghe có vẻ quá thực tế, nhưng sự thật là chúng ta không thể thay đổi quá khứ và không thể kiểm soát tương lai. Chìm đắm vào những gì đã có hoặc có thể có sẽ chỉ cướp đi hạnh phúc hiện tại của chúng ta.
Thay vào đó, những người hạnh phúc hiểu được sức mạnh của hiện tại. Họ thực hành chánh niệm, tập trung sự chú ý vào thời điểm hiện tại và chấp nhận nó mà không phán xét. Bằng cách lựa chọn phớt lờ sức hút của quá khứ và tương lai, họ tạo ra không gian cho niềm vui, sự hài lòng ở hiện tại. Đây là một quyết định mạnh mẽ có thể dẫn đến hạnh phúc thực sự.
4. Liên tục so sánh
Chánh niệm là sự nhận thức và chấp nhận khoảnh khắc hiện tại, bao gồm cả sự chấp nhận bản thân. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, con người rất dễ rơi vào cái bẫy của sự so sánh liên tục. Theo tâm lý học, những người thực sự hạnh phúc chọn cách phớt lờ sự so sánh bản thân với người khác.
Trên thực tế, việc so sánh thường dẫn đến sự không hài lòng và bất mãn. Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy mình không bao giờ đủ tốt, đủ thành công hoặc đủ hạnh phúc.
Mỗi chúng ta đều đang trên hành trình riêng. Vấn đề không phải là tốt hơn hay tệ hơn người khác. Đó là việc trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
5. Quyết định dựa trên bản ngã
Tác giả Lachlan Brown của Hack Spirit nhận định trong hành trình hướng tới chánh niệm và hạnh phúc, những quyết định do bản ngã điều khiển thường có thể khiến chúng ta lạc lối. Đây là những quyết định được thúc đẩy bởi mong muốn chứng tỏ bản thân, chiến thắng hoặc được nhìn nhận dưới một góc nhìn nào đó.
Theo tâm lý học, những người thực sự hạnh phúc đã học được cách phớt lờ mong muốn thường trực của bản ngã về sự xác nhận và ưu việt. Thay vào đó, họ đưa ra quyết định dựa trên những giá trị và mong muốn thực sự chứ không phải nhu cầu được công nhận. Họ hiểu hạnh phúc đích thực đến từ việc sống chân thật và nhân ái chứ không phải từ việc không ngừng phấn đấu để chứng tỏ bản thân.
Bằng cách chọn bỏ qua những quyết định do bản ngã điều khiển và đón nhận trí tuệ của Phật giáo, họ có thể sống với tác động tối đa và cái tôi tối thiểu, dẫn đến cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc sâu sắc hơn.
6. Phán xét không cần thiết
Trong cả Phật giáo và thực hành chánh niệm, sự phán xét thường được coi là rào cản đối với hạnh phúc thực sự và sự bình an nội tâm. Khi chúng ta đánh giá người khác một cách khắc nghiệt, chúng ta cũng thường đánh giá bản thân như vậy. Việc liên tục tự chỉ trích và so sánh này có thể dẫn đến nhiều đau khổ không đáng có.
Theo tâm lý học, những người thực sự hạnh phúc chọn cách phớt lờ xu hướng đưa ra những phán xét không cần thiết này. Thay vào đó, họ cố gắng trau dồi thái độ chấp nhận và lòng trắc ẩn, đối với cả người khác và chính mình. Họ hiểu rằng mọi người đều có những khó khăn và thử thách riêng. Thay vì phán xét, họ chọn sự đồng cảm và thấu hiểu.
Quyết định không phán xét một cách không cần thiết này đưa họ đến gần hơn với khái niệm "Metta" hay lòng nhân ái của Phật giáo - một thành phần cơ bản của hạnh phúc thực sự và sự bình yên nội tâm. Bằng cách lựa chọn không phán xét, họ mở ra không gian cho sự chấp nhận, lòng tốt và hạnh phúc.
7. Ảo tưởng về sự kiểm soát
Nhiều người có thói quen bám víu vào ảo tưởng về khả năng kiểm soát cuộc sống của mình, cố gắng quản lý từng chi tiết, lập kế hoạch cho mọi kết quả và tránh mọi điều không chắc chắn. Nhưng cuộc sống vốn dĩ không thể đoán trước được.
Theo tâm lý học, những người thực sự hạnh phúc chọn cách buông bỏ ảo tưởng về sự kiểm soát này. Họ hiểu rằng cuộc sống đầy rẫy những điều không chắc chắn và việc cố gắng kiểm soát mọi thứ chỉ dẫn đến căng thẳng, lo lắng.
Thiền sư người Thái Lan Ajahn Chah từng nói: "Nếu buông bỏ một chút, bạn sẽ có được bình yên. Buông bỏ nhiều sẽ có nhiều bình an".
Những người hạnh phúc ghi nhớ sự khôn ngoan này. Họ chấp nhận sự khó lường của cuộc sống và chọn tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát. Bằng cách từ bỏ ảo tưởng về sự kiểm soát, họ đón nhận sự bình yên đi kèm với sự chấp nhận và khả năng thích ứng, dẫn đến một hạnh phúc sâu sắc, đích thực hơn.
8. Việc theo đuổi hạnh phúc
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng những người thực sự hạnh phúc thường chọn cách phớt lờ việc theo đuổi hạnh phúc.
Chánh niệm dạy chúng ta hiện diện và tham gia vào từng khoảnh khắc, không liên tục phấn đấu cho một trạng thái hạnh phúc nào đó trong tương lai. Suy cho cùng, hạnh phúc không phải là đích đến mà là sự tồn tại.
Trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua niềm vui và sự hài lòng sẵn có ở thời điểm hiện tại. Chúng ta quá tập trung vào việc theo đuổi hạnh phúc đến nỗi bỏ lỡ cơ hội được hạnh phúc thực sự.
Những người thực sự hạnh phúc hiểu được điều này. Họ chọn từ bỏ việc theo đuổi liên tục và thay vào đó tập trung vào việc trau dồi chánh niệm, lòng biết ơn, niềm vui trong những trải nghiệm hàng ngày. Bằng cách chọn bỏ qua việc không ngừng theo đuổi hạnh phúc, họ cho phép mình hiện diện trọn vẹn và cởi mở đón nhận hạnh phúc đang tồn tại ngay tại đây và ngay bây giờ.
Hướng Dương (Theo Hack Spirit)