Thứ hai, 8/8/2022, 11:12 (GMT+7)

7 thói quen vệ sinh cơ thể bạn đang làm sai

Cắt móng tay sau khi tắm, dùng quá nhiều kem đánh răng, ngoáy tai... đều là những thói quen không tốt cho cơ thể.

1. Không làm sạch da trước khi tập luyện

Các chuyên gia đều khuyến khích nên làm sạch lớp trang điểm, bụi bẩn trên da trước khi tham gia hoạt động thể chất. Mỹ phẩm cùng bụi bẩn, mồ hôi dễ gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, làm nổi mụn. Nếu không thể làm sạch da trước khi tập luyện, trong lúc vận động hãy hạn chế lau mồ hôi, chỉ dùng khăn bông hoặc giấy thấm khô phần mồ hôi đọng trên da.

2. Cắt móng tay, chân sau khi tắm

Móng tay sau khi tiếp xúc với nước lâu thường mềm, dễ gãy nứt hơn. Khi tác động lực mạnh từ kìm/bấm móng tay dễ làm móng bị uốn cong, hỏng dáng móng, còn vết cắt không sắc lẹm, sau đó dễ móc vào quần áo, tăng nguy cơ gãy móng.

3. Lạm dụng khăn ướt

Khăn ướt tiện lợi nhưng chỉ nên sử dụng trong trường hợp cấp bách, không thể làm sạch hoàn toàn bụi bẩn, mồ hôi, dầu mỡ... đọng trên da. Ngoài ra, khăn ướt cũng thường chứa nhiều hóa chất, lâu ngày có thể làm da tay bị khô, kích ứng.

4. Dùng băng vệ sinh có mùi hương

Băng vệ sinh, tampon có mùi hương có thể phá vỡ độ pH của vùng da nhạy cảm, dễ gây kích ứng. Ưu tiên các sản phẩm lành tính, không chứa mùi hương được cho là an toàn hơn cho làn da mẫn cảm.

5. Dùng quá ít hoặc quá nhiều kem đánh răng

Dùng không đủ lượng kem đánh răng có thể không đạt hiệu quả vệ sinh răng miệng. Ngược lại, dùng quá nhiều kem lại có thể làm hư hại men răng, khiến răng ố vàng và dễ bị sâu hơn. Lượng kem đánh răng đủ để làm sạch khoang miệng đối với người lớn là khoảng bằng một hạt đậu. Sau khi đánh răng, bạn cũng nên súc miệng kỹ để tránh kem đánh răng còn sót lại trong khoang miệng.

6. Dùng mãi một loại lăn khử mùi

Theo thời gian, cơ thể có xu hướng thích nghi với các hóa chất ngừa mùi hôi, khiến các sản phẩm lăn nách, khử mùi không còn hiệu quả. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể đổi nhiều sản phẩm khác nhau thay vì dùng mãi một loại lăn khử mùi.

7. Ngoáy tai, không vệ sinh vùng sau tai

Thói quen dùng bông tăm hay vật cứng, nhọn để ngoáy tai rất dễ làm xước, tổn thương ống tai, kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Tốt nhất, bạn nên hạn chế việc này. Bên cạnh đó, nhiều người khi gội đầu, tắm rửa thường lơ là không vệ sinh vùng sau vành tai. Đây cũng là nơi dễ tích tụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, gây ra mùi hôi khó chịu nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng.

Duk Sun (Theo Brightside)

Đánh giá phiên bản mới