Lập kế hoạch cưới không dễ dàng như lập một kế hoạch đơn thuần. Đôi khi, với thời gian chuẩn bị gấp rút, lại không nhận được nhiều sự giúp đỡ, tư vấn của người thân hoặc bạn bè, nhiều cặp đôi dễ mắc sai lầm nghiêm trọng và hậu quả của nó dĩ nhiên không hề nhỏ.
1. Không quản lý tốt ngân sách đám cưới
Đừng nghĩ rằng ngân sách cưới chỉ đơn giản là số tiền sẽ chi cho đám cưới. Hãy sử dụng ngân sách cưới như một công cụ để xác định những khoản có thể cắt, những khoản có thể tiết kiệm được, và cả những khoản thu khác bên ngoài. Quản lý tiền bạc không chỉ quan trọng cho đám cưới, nó cũng rất quan trọng cho cuộc sống hôn nhân sau này.
2. Tự mình làm hết việc trang trí đám cưới
Có thể bạn muốn tự mình đi chọn lựa và mua sắm tất cả mọi thứ cho đám cưới từ A đến Z. Bạn lại đang có vài ý tưởng tự làm một số vật dụng cho ngày cưới. Nhưng nếu tự kham hết tất cả, sẽ bị quá tải và nguy cơ sai sót là rất cao. Với những thứ không thực sự quen lắm, hoặc biết sẽ tốn nhiều thời gian và sức lực, hãy nhờ hoặc thuê người khác làm. Trừ khi bạn có thể dành toàn bộ thời gian của mình để tự lên kế hoạch và chuẩn bị cho đám cưới, còn nếu bạn vẫn phải đi làm và lo nhiều công việc khác, chuyện tự mình ôm hết có thể gây stress và làm hỏng lễ cưới.
3. Chọn nhà cung cấp dựa trên tiêu chí giá rẻ
Bạn thường nghe thấy câu "tiền nào của nấy", và việc chọn nhà cung cấp cũng dựa trên tiêu chí này. Hãy nhớ, việc lựa chọn dịch vụ không giống như việc đi shopping để có được những sản phẩm giá rẻ nhất. Mỗi nhà cung cấp đám cưới đều có những phong cách, cái nhìn khác nhau. Tìm tư vấn, gặp nhà cung cấp, trao đổi trực tiếp và chọn dịch vụ tốt nhất hợp với chi phí mà cặp đôi có thể chi trả.
Ảnh minh họa. |
4. Bỏ qua bước thử trang điểm
Cô dâu đã thử trang điểm để biết rằng công đoạn này mất bao nhiêu thời gian chưa? Cô dâu đã xem lại váy cưới xem có thật vừa vặn hay chưa? Vậy sao bạn không diễn tập trước với thợ trang điểm để “đo” được thời gian tương đối cho công đoạn này cũng như tìm phương án nhanh nhất để rút ngắn thời gian thay vì để mọi chuyện chậm trễ trong ngày cưới.
5. Quá đi sâu vào những chi tiết không cần thiết
Cô dâu chú rể nên lập kế hoạch chi tiết về lễ cưới cũng như trao đổi kỹ càng với các nhà cung cấp dịch vụ cưới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn kiểm soát từng chi tiết nhỏ trong công việc của các nhà cung cấp, nếu không muốn lãng phí thời gian cũng như làm giảm sự nhiệt thành của họ. Cặp đôi không nên gọi điện thoại cho họ mỗi ngày chỉ để hỏi về loại hoa bạn muốn có chắc chắn trong ngày cưới hay nhắc nhở về ngày giao album cưới. Hãy để các chuyên gia làm công việc của họ nếu bạn đã tin tưởng và chọn họ.
6. Không có kế hoạch rõ ràng
Đám cưới không phải chỉ là những điều cô dâu chú rể mong muốn, tưởng tượng trong đầu mà mỗi chi tiết, phụ kiện còn liên quan tới nhiều nhà cung cấp khác. Uyên ương không thể bỏ qua kế hoạch vì nếu không có dự định rõ ràng, ai đảm nhiệm trọng trách gì, thời điểm nào nên đặt dịch vụ gì… bạn có thể bị “lạc lối” trong con đường chuẩn bị của mình.
7. Không có sự cân nhắc, thay đổi khéo léo
Nếu một số người không có kế hoạch chi tiết cho đám cưới thì một số đôi uyên ương lại khá cứng nhắc, nhất định làm những điều đã vạch ra. Nhưng nếu trong tình huống phát sinh, hai người nên linh hoạt thay đổi. Ví dụ, nếu ngày cuối tuần, các sảnh tiệc đã kín chỗ, cô dâu chú rể vẫn có thể chọn buổi tối trong tuần để đặt được những địa điểm đẹp ưng ý.
Hạ Miên