
Ảnh minh họa: Pinterest
1. Dành một ngày suy nghĩ về những lần mua sắm lớn
"Việc trì hoãn mua sắm trong một ngày giúp bạn có thời gian suy nghĩ xem có thực sự cần những món đồ đó không và hạn chế mua sắm bốc đồng đáng tiếc", Marc Diana, CEO của MoneyTips nói.
Các mặt hàng giảm giá có thể là ngoại lệ đối với quy tắc này. Nhưng ngay cả khi đó, hãy tự hỏi bạn cần món đồ đó đến mức nào so với việc tiết kiệm hoặc đầu tư. Khi thời buổi khó khăn và cần cắt giảm chi phí, bạn sẽ muốn có một đôi giày 300 USD nhưng ít đi hay 300 USD tiền mặt?
2. Ngân sách: Không phải hạn chế, mà là sự tự do
Nhà giáo dục tài chính Tiffany Aliche cho hay: "Lập ngân sách giúp bạn chiến lược hóa cách nói 'có' với mục tiêu của mình". Bà giải thích, khi có ngân sách, bạn có thể tiết kiệm cho chuyến du lịch mơ ước, ngôi nhà mong muốn hay chiếc xe yêu thích.
"Bạn có thể coi đó là 'không với McDonald's', nhưng tôi lại thấy đó là 'có cho chuyến đi Paris'," bà nói. Ngân sách không phải là một kế hoạch nói "Không" với những thứ bạn muốn, mà là nói "Có" với những bước đi thực tế để đạt được mục tiêu tài chính.
3. Ngân sách theo nguyên tắc 50/20/30
Lynn Toomey, đồng sáng lập Your Retirement Advisor, gợi ý bạn lập ngân sách như sau:
- 50% thu nhập cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, tiền thuê nhà, tiện ích và giao thông.
- 20% thu nhập cho quỹ khẩn cấp (mục tiêu lý tưởng là 3-6 tháng lương), tiền hưu trí, tiền tiết kiệm và để trả hết các khoản nợ.
- 30% thu nhập của bạn cho các khoản chi tiêu tùy ý (không cần thiết) như giải trí, nghỉ mát và quà tặng.
4. Tiết kiệm thôi chưa đủ, đầu tư mới là con đường đến thịnh vượng
Việc chi tiêu ít hơn không tự động đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều tiền hơn. Tiết kiệm là một bước đệm tốt để đạt được ổn định tài chính, nhưng bạn vẫn cần phải đầu tư.
Tiffany Aliche, chuyên gia tài chính Mỹ, ví von: "Hãy tưởng tượng có hai hòn đảo: đảo kẹt về tài chính và đảo giàu có". Theo cô, khoản tiết kiệm giống như một chiếc xe hơi, bạn không thể lái chiếc xe đó ra khỏi đảo kẹt nếu không có cầu. Đầu tư chính là cây cầu nối đến đảo giàu có - tức thành công tài chính.
"Để đi từ đảo này sang đảo khác, bạn cần phải lên chiếc xe tiết kiệm và lái nó qua cây cầu đầu tư", cô cho hay.
5. Cố vấn tài chính không chỉ dành cho người giàu
Hàng triệu người Mỹ đã đổ hàng nghìn tỷ USD vào cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ và các khoản đầu tư khác trên Phố Wall. Nhưng quan điểm của Brian Saranovitz, chủ tịch của Your Retirement Advisor, lại khác. Ông đặt câu hỏi: "Tại sao không tập trung vào việc mình có thể làm giỏi nhất để kiếm tiền, và để một chuyên gia được đào tạo đầu tư thay bạn?". Ông viện dẫn một nghiên cứu gần đây của Vanguard Investments chỉ ra rằng việc áp dụng các chiến lược hưu trí phù hợp có thể tăng 3% lợi nhuận cho danh mục đầu tư hưu trí.
Chuyên gia tài chính Aliche bổ sung: "Bạn cần chủ động tìm kiếm kiến thức. Nếu bạn bị gãy chân, bạn biết mình cần đi khám bác sĩ. Nhưng với tài chính cá nhân, nhiều người lại nghĩ họ có thể tự xoay xở". Khi nói đến đầu tư, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp.
6. Có hình ảnh rõ nét về bản thân ở tuổi 80
Aliche khuyên bạn nên đặt tên cho hình ảnh 80 tuổi của chính mình. Hãy thử tưởng tượng: "Tôi là Wanda. Tôi hình dung Wanda đang ngồi thư thái trên bậc thềm trước nhà".
Bà giải thích: "Mọi người thường cảm thấy xa cách với bản thân khi đã lớn tuổi. Bạn càng hình dung ra chính mình lúc già rõ ràng bao nhiêu càng tốt".
Khi đưa ra các quyết định tài chính, hãy tự hỏi: "Điều này sẽ ảnh hưởng đến Wanda (bản thân 80 tuổi của bạn) như thế nào?". Nếu bạn rút tiền hưu trí để mua một chiếc ôtô đắt tiền, điều đó chắc chắn sẽ "làm tổn thương Wanda".
Nếu cách này khó hình dung, Aliche gợi ý: "Hãy giả vờ bạn đang sống với ông hoặc bà. Bạn sẽ không bao giờ nói với bà rằng: 'Bà phải đi làm. Chúng ta cần tiền', đúng không?".
7. Đừng bao giờ đồng ký một khoản vay
Việc đồng ký một khoản vay không chỉ là bảo lãnh cho nhân cách của ai đó, Toomey giải thích. "Hãy hiểu rằng nếu người vay không trả, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán. Và nếu họ vỡ nợ, điểm tín dụng của bạn sẽ rất xấu", ông nói.
>> Xem thêm 3 thói quen giúp chặn đứng việc rỗng ví
Tú Anh (Theo RD)