Bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào, ngoài những kinh nghiệm bản thân, đều có những đặc điểm chung, theo Viện Phát triển Quản lý (MDI) Gurgaon, Ấn Độ. Dưới đây là 7 bài học cần có của một doanh nhân tương lai được MDI thống kê thông qua chia sẻ của nhiều nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm.
1. Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo
Sanjiv Navangul, Giám đốc marketing của Công ty dược Janssen Ấn Độ ( công ty con của tập đoàn Johnsons & Johnsons), đánh giá cao một người ở khả năng lãnh đạo. "Năng lực lãnh đạo được thể hiện qua việc tạo động lực thúc đẩy người khác tiến lên phía trước. Điều đó cũng giống như việc các ông bố rời tay để con mình tự đạp xe lần đầu", Navangul nhấn mạnh.
Theo doanh nhân này, để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, bạn cần trau dồi năng lực lãnh đạo của bản thân và khiến người khác tin tưởng vào nó.
2. Theo đuổi đam mê
Đam mê là động lực thúc đẩy doanh nhân cố gắng đạt được những thứ họ muốn và duy trì sự phát triển đó. Agnihotri, nhà sáng lập MBA Universe chia sẻ: "Nếu bạn theo đuổi đam mê, thành công không còn là thứ quá quan trọng. Tôi rất tự hào khi chưa bao giờ tắt mất ngọn lửa đam mê".
3. Luôn có kế hoạch dự phòng
Khi được hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để thành công, P.V Vaidyalingam, cố vấn của Bộ Đường sắt Ấn Độ, Giám đốc dự án Bullet Train, cho biết luôn có những bất ngờ xảy ra và chúng thuộc 3 loại sau: kỹ thuật, pháp luật và rắc rối tạm thời về nguồn lực.
"Nếu bạn chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng cho những rắc rối trên, bạn sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng", Vaidyalingam cho biết.
4. Tôn trọng quan điểm bất đồng
"Có những thời điểm, quyết định cuối cùng của một tổ chức cần dựa trên góc nhìn đa chiều từ nhiều người thay vì phụ thuộc vào suy nghĩ độc lập của một cá nhân. Và xảy ra bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Khi là người đứng đầu doanh nghiệp, bạn phải tôn trọng những ý kiến bất đồng đến từ cấp dưới", Bharat Salhotra, Giám đốc điều hành bộ phận vận tải của Tập đoàn đường sắt và năng lượng Alstom, chi nhánh Ấn Độ, nói.
Trong cuộc họp, nếu có hai người đồng ý với lãnh đạo, cần có một người đưa ra quan điểm trái chiều để mọi người nhìn được toàn cảnh vấn đề. "Đó là lý do nhiều tổ chức yêu cầu nhân viên đưa ra các ý kiến khác nhau hơn là việc phụ thuộc một cá nhân tài giỏi nào đó", Salhotra cho biết thêm.
5. Luôn cập nhật công nghệ mới và bổ sung nhiều kỹ năng
Manoj Chugh, chủ tịch Công ty công nghệ Tech Mahindra, khẳng định công nghệ đang thay đổi thế giới và tương lai dành cho những người tích lũy được nhiều kỹ năng.
Ông nói: "Một lần trong sự kiện nọ, tôi thấy nhiều người đàn ông đang vây quanh một phụ nữ xinh đẹp. Khi tôi đến gần và bắt chuyện, tôi nhận ra cô ấy cũng trò chuyện như bao người khác, chỉ có điều đó là một robot hình dáng con người. Người tạo ra cô ấy có đủ kỹ năng của một nhà điêu khắc, nhà tâm lý học và kỹ sư robot. Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là tương lai của chúng ta không phụ thuộc vào bằng cấp, nó được quyết định bởi những kỹ năng mà bạn có".
6. Nhân viên là khách hàng đầu tiên của bạn
Sanjay Mehta, CEO của Tập đoàn tư vấn, quản lý Teleperformance Indiachi, cho biết khách hàng là thượng đế và nhân viên là khách hàng đầu tiên của một doanh nhân.
"Nhân viên sẽ là người làm việc vì khách hàng của bạn. Nếu bạn không thể làm nhân viên của mình cảm thấy hạnh phúc, khách hàng của bạn cũng không bao giờ được hạnh phúc", Mehta nói.
Bên cạnh đó, vị CEO này cũng đề cao việc lắng nghe tâm sự của nhân viên. "Doanh nghiệp không bao giờ tự giết mình. Chúng chết vì bạn ngừng lắng nghe người khác thôi", ông nói.
7. Không bỏ cuộc
Ngày nay các startup (công ty khởi nghiệp) mọc lên nhiều nhưng cũng nhanh chóng thất bại ở hầu hết các quốc gia. Theo Gagan Arora, nhà đồng sáng lập website thương mại điện tử PrintVenue kiêm giám đốc marketing của Foodpanda, cho rằng lý do của thất bại nhanh chóng là sự bỏ cuộc quá nhanh của các nhà khởi nghiệp.
Arora khuyên: "Nếu bạn tin vào ý tưởng và doanh nghiệp của mình có thể kiếm ra tiền, đừng bao giờ quay đầu nhìn lại. Bỏ cuộc không phải là hành động đúng đắn. Đừng bao giờ vứt bỏ mục tiêu của mình".
Sơn Nam (Theo Entrepreneur)