Công ty cổ phần An Bình Tây được thành lập với 3 thành viên: Đào Minh Huấn (con ông Dũng) làm Chủ tịch HĐQT; ông Hà Minh Đức làm Tổng giám đốc và bà Bùi Thị Huyền Sâm. Sau khi mua được hơn 7.000 mét vuông đất ở khu CC1 ở (Hà Nội) của HUD và đã được bàn giao mặt bằng thì công ty này đột ngột giải tán và trả lại lô đất này. Để được bàn giao lô đất này, công ty cổ phần đã nộp cho HUD trên 9 tỷ đồng (các số liệu đều làm tròn). Và bà Sâm cho rằng có 6 tỷ trong số đó, nhưng các đối tác của bà Sâm không thừa nhận như vậy.
Theo đơn thư tố cáo của bà Sâm, cơ quan điều tra Bộ Công an về vụ chiếm đoạt 6 tỷ đồng, cảnh sát điều tra đã mời các đối tượng liên quan đến để lấy lời khai. Theo lời khai của bà Sâm, công ty cổ phần phải nộp cho HUD 31 tỷ đồng để mua lô đất trên.
Theo tỷ lệ góp vốn, bà Sâm phải nộp 7,7 tỷ đồng, nhưng mới chỉ nộp được 6 tỷ. Số tiền này bà Sâm cùng với Nguyễn Trung Thành (là lái xe) và chị Lương Thúy Hà (đều là người của công ty Phú Vinh - công ty của bà Sâm) mang từ nhà của bà Sâm đến HUD để nộp tiền. Sau khi đến nơi thì có gọi anh Đức (Tổng Giám đốc công ty cổ phần) để giao nhận và trả tiền cho HUD. HUD gọi ngân hàng đến nhận tiền.
Do kiểm tiền lâu, nên các bên nhất trí chuyển tiền về ngân hàng để đếm. Chồng bà Sâm, anh Thành (lái xe) và chị Hà trực tiếp vác tiền lên gác hai của ngân hàng. Vì bận, nên bà Sâm yêu cầu anh Thành và chị Hà ở lại cùng kiểm tiền. Trước khi đi, bà Sâm đưa cho chị Hà 5 triệu đồng, để bù vào nếu kiểm tiền bị thiếu.
Còn chị Hà (người chuyển tiền cho bà Sâm) khai rằng: Khi yêu cầu tôi chứng kiến kiểm tiền, bà Sâm có đưa cho 5 triệu đồng để bù vào nếu thiếu. Và tôi đã phải bù vào gần 2 triệu đồng do một số cọc bị thiếu và có tiền giả. Hóa đơn và số tiền thừa còn lại, tôi đã trả lại cho bà Sâm với sự chứng kiến của anh Thành. Cũng tại cảnh sát điều tra, anh Thành khai: Tôi được giao chở tiền từ nhà riêng của bà Sâm đến HUD. Sau đó, tôi và chị Hà là những người trực tiếp vác tiền lên giao cho ngân hàng. Việc giao tiền thì bà Sâm giao cho chị Hà còn tôi đứng trông.
Ông Hà Minh Đức khai: Số tiền 6 tỷ này do ông Đức đến tận nhà riêng của ông Đào Tiến Dũng để lấy. Nhưng do không có dấu, nên gọi bà Sâm đến để đóng dấu. Xong đâu đấy thì số tiền trên được chuyển đến HUD. Vì không thể kiểm tại chỗ, ngân hàng yêu cầu HUD cử người đến ngân hàng để cùng kiểm, ông Đức đã cử bà Sâm. Nhưng bà Sâm không đi được lại cử chị Hà (nhân viên của công ty bà Sâm) đi thay. Sau đó chị Hà mang giấy nộp tiền cho ngân hàng về cho ông Đức.
Lời khai của 3 nhân chứng HUD (phòng Kế toán) thì cho rằng: "Khi chuyển tiền ra ngân hàng thì có ông Đức, cán bộ ngân hàng và lái xe chuyển từ phòng Kế toán ra xe đặc chủng của ngân hàng chở đi".
Theo các lời khai trên, bên tố cáo thì khẳng định là lấy tiền từ nhà mình, còn bên bị tố cáo lại khẳng định điều ngược lại, tiền là của họ. Vậy lấy gì để chứng minh đúng sai?
Trong khi đó, bà Sâm có lời khai rất đáng chú ý. Tuy là người trực tiếp tố cáo ông Dũng, ông Đức là những đối tượng chiếm đoạt số tiền 6 tỷ đồng, nhưng bà Sâm lại khăng khăng không chịu cung cấp hồ sơ quan trọng nhất. Tại cơ quan điều tra, bà Sâm cho rằng: "Về nguồn tiền 6 tỷ đồng ở đâu, tài liệu chứng minh tôi nộp 6 tỷ đồng cho tổng HUD qua Ngân hàng NNPTNT thì chỉ khi nào cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án tôi mới cung cấp". Vậy đâu là nguyên nhân khiến bà Sâm có thái độ như vậy?
Để đáp lại, ông Dũng (trước khi bị bắt) và ông Đức cũng có những đơn thư tố cáo bà Sâm là cố tình bôi nhọ danh dự của họ. Ngày 20/12/2004, co quan điều tra, Bộ Công an trả lời bà Sâm là: "Chưa có cơ sở để kết luận ông Đào Tiến Dũng cùng một số người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt khoản tiền như bà tố cáo".
Theo Lao Động, đây là vụ án hình sự rất nghiêm trọng: Hoặc là ông Dũng, ông Đức chiếm đoạt của bà Sâm 6 tỷ đồng; hoặc là bà Sâm đã dựng chuyện một cách rất trắng trợn để bôi nhọ nhau. Bất cứ hành vi nào trong hai trường hợp trên cũng cần đều phải làm rõ. Đặc biệt, vụ việc này không chỉ là chuyện 6 tỷ đồng mà còn có nhiều dấu hiệu liên quan tới nhiều hành vi không bình thường của một số cá nhân của cơ quan tố tụng khác.