1. Không nên xóa ảnh trên máy ảnh
Nên hạn chế xóa ảnh trực tiếp từ máy ảnh chỉ vì không ưng ý với những tấm hình vừa chụp hoặc để tiết kiệm không gian thẻ nhớ.
Thay vào đó bạn hãy chọn những chiếc thẻ có dung lượng cao và kiên nhẫn chờ đến khi chuyển toàn bộ ảnh vào máy tính mới xóa. Việc xóa ảnh trực tiếp từ máy ảnh rất dễ xóa nhầm ảnh, xóa toàn bộ, thậm chí một số trường hợp gây lỗi thẻ gây mất khả năng truy xuất dữ liệu trên thẻ ở lần sử dụng kế tiếp.
2. Mang nhiều thẻ
Chắc hẳn bạn từng nghe câu: “Đừng bao giờ bỏ trứng chung giỏ”. Để chuẩn bị cho một chuyến du lịch, hãy nhớ mang nhiều hơn một chiếc thẻ vì nếu chỉ mang một chiếc duy nhất và lưu toàn bộ ảnh vào nó, có chuyện gì xấu xảy ra với chiếc thẻ này thì toàn bộ số ảnh bên trong nó sẽ đi tong.
Do vậy bạn nên mang nhiều thẻ khác nhau để sử dụng xoay vòng. Đừng đợi cho đến khi thẻ đầy ắp rồi mới chuyển sang thẻ khác, vì nhỡ có gì sơ sảy thì bạn cũng không mất quá nhiều ảnh trong đó. Xoay vòng sử dụng thẻ chính là cách mà một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm nên thuộc nằm lòng.
3. Mặc 'áo giáp' cho thẻ
Giống như nhiều loại phụ kiện điện tử khác, thẻ nhớ cũng mẫn cảm với nước, nhiệt độ hay bụi bẩn… Do vậy hãy hạn chế để thẻ ở nơi quá ẩm, quá nóng, quá lạnh, hay cầm vào mặt tiếp giáp của thẻ khi tay bẩn. Cẩn thận hơn nữa, bạn hãy tìm mua những chiếc vỏ thẻ được bán tại các siêu thị điện máy hay các cửa hàng linh kiện điện tử.
4. Thường xuyên sao lưu ảnh
Nguyên tắc bất di bất dịch mà tay máy nào cũng cần nhớ, đó là sao lưu ảnh bất cứ khi có thể. Một chiếc laptop là phương án nhiều người lựa chọn.
Ngoài ra cũng nên nhớ sao lưu trên những ổ cứng riêng biệt, hoặc tốt hơn nữa là trên máy tính khác nhau. Còn nếu thấy máy tính quá cồng kềnh, thì một chiếc máy tính bảng hoặc smartphone cũng là giải pháp hợp lý.
5. Đưa ảnh lên 'mây'
Sao lưu trên máy tính, máy tính bảng hay smartphone chưa hẳn là giải pháp tối ưu nhất, vì chúng có thể không cánh mà bay khi bạn đang bị kẻ gian nhòm ngó. Do đó hãy nghĩ tới việc tải ảnh lên mạng thông qua một dịch vụ lưu trữ ảnh trực tuyến như Flickr, 500 Pixels, Photobucker, Amazon Prime Photos, Google Photos...
Cần nhớ là các bức ảnh được chụp từ máy ảnh chuyên dụng có dung lương rất lớn, do vậy để tiết kiệm 3G, bạn có thể tranh thủ tải ảnh lên mạng khi có Wi-Fi.
6. Sử dụng các phần mềm khôi phục dữ liệu
Trong trường hợp xấu nhất, bạn chưa kịp áp dụng bất kỳ lời khuyên nào trên đây mà thẻ nhớ đã bị lỗi, thì đừng quá lo lắng, vẫn còn một giải pháp dành cho bạn, đó là các chương trình khôi phục dữ liệu.
Phần mềm được tin dùng nhất hiện nay là Recuva. Nhưng các chương trình chỉ là giải pháp “chống cháy” vì chúng không đảm bảo khôi phục toàn bộ dữ liệu cho bạn.
Theo ICTNews