Đây là một trong số rất ít tờ báo của Mỹ tham gia đánh giá giáo dục đại học. Trong số đặc biệt 2008 vừa phát hành, Đại học Princeton tiếp tục vượt qua Đại học Harvard để trở thành trường đứng đầu trong 51 đại học tốt nhất nước Mỹ. Tuy không phải là một đơn vị giáo dục, nhưng những đánh giá của tuần báo này lại rất có giá trị, được xã hội thừa nhận qua 24 năm thực hiện. Đại học được đánh giá theo từng loại trường (trường nghiên cứu cấp quốc gia, trường đào tạo đa ngành đến bậc thạc sĩ, trường nghệ thuật tự do, trường đào tạo đến bậc cử nhân). Theo đánh giá này, có tổng cộng 262 trường trong nhóm cấp quốc gia (gồm 164 trường công lập và 98 trường tư thục). Ngoài ra, các đại học trong nhóm đầu còn phân chia theo từng tầng (tier), mỗi tầng trên dưới 50 trường. Trừ loại trường cấp quốc gia, các loại trường còn lại còn được phân chia theo vùng địa lý. Giá trị của các đánh giá nằm ở chỗ cách tiến hành phân loại dựa vào các tổ chức giáo dục có uy tín; các tiêu chí và chỉ báo đánh giá khoa học do các nhà giáo dục có trọng trách tham gia; và cuối cùng, các thông tin cần thiết đều được trình bày rõ ràng cụ thể như loại trường, địa chỉ, văn bằng đào tạo, số lượng sinh viên, ngành học, điểm tuyển chọn, chi phí, khả năng hỗ trợ tài chính. Do tính đa dạng của các trường, nên sinh viên Mỹ cũng như sinh viên quốc tế thường dựa vào các đánh giá này để xem xét và chọn lựa trường học phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Hơn 1.400 trường được kiểm định tham gia vào đánh giá này. Có đến 15 chỉ báo đánh giá bao gồm đánh giá chéo (peer assessment) của đội ngũ các nhà quản lý giáo dục như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo và trưởng phòng tuyển sinh, tỷ lệ tốt nghiệp và lưu giữ sinh viên (tỷ lệ sinh viên theo đuổi chương trình học - tính đến 6 năm cho chương trình cử nhân - đến khi tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên còn theo học sau năm thứ nhất), tỷ lệ tốt nghiệp (dự kiến và thực tế), nguồn lực ban giảng huấn (sĩ số lớp có dưới 20 sinh viên, số lớp có trên 50 sinh viên, lương giảng viên, số giảng viên có học vị tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên cơ hữu), việc tuyển chọn sinh viên (điểm thi trắc nghiệm năng lực trình độ SAT hay ACT, tỷ lệ sinh viên năm thứ nhất thuộc nhóm 10% đầu lớp ở trung học, tỷ lệ chấp nhận ứng viên nộp đơn), nguồn lực tài chính (chi phí bình quân trên mỗi sinh viên về đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ và các hoạt động khác), đóng góp của cựu sinh viên (tỷ lệ cựu sinh viên tham gia đóng góp). Tuy nhiên, không phải tất cả các trường đều được xếp loại. Việc không xếp loại có thể là do việc phản hồi thông tin không đầy đủ, hay việc tuyển chọn sinh viên không theo phương pháp được thừa nhận, hoặc sĩ số sinh viên dưới 200 và trường tư hoạt động theo nguyên tắc lợi nhuận (for profit universities). Trong 51 đại học tốt nhất nước Mỹ theo phân loại năm 2008 có 34 trường tư thục, 17 trường công lập (có *), và sự khác biệt giữa các trường trong tốp này thường không lớn. Trong nhiều năm qua kể từ số đầu tiên, các trường hàng đầu này không có sự thay đổi lớn về thứ hạng. Riêng tiểu bang California có 8 trường. Một điều đáng chú ý là trong 51 đại học tốt nhất nước Mỹ, có đến 30 trường nằm trong 50 trường hàng đầu theo bảng phân loại 500 trường đại học tốt nhất thế giới theo đánh giá của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2004. Thứ tự xếp hạng các trường 1. Princeton University (Theo Thanh Niên)
|