Giữ kết nối thường xuyên với bác sĩ
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Hiền, bạn nên duy trì liên lạc với bác sĩ sản khoa qua điện thoại, mạng xã hội như zalo, facebook hoặc có sổ tay bác sĩ gia đình để bác sĩ tiện theo dõi sự phát triển của em bé. Việc kết nối thường xuyên giúp đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé, đặc biệt trong mùa dịch.
Đánh dấu mốc quan trọng để khám thai
Quá trình mang thai có các mốc khám thai quan trọng mà những thai phụ cần ghi nhớ để khám đúng hẹn, nhằm theo dõi được sức khỏe của mẹ và thai nhi, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu bệnh lý bất thường. Các mẹ bầu nên đánh dấu mốc để đi khám và siêu âm thai định kì trong cuốn lịch, sổ tay hoặc ghi chú điện thoại.
Những mốc khám thai quan trọng bao gồm 3 tháng đầu (3 lần), 3 tháng giữa, 3 tháng cuối; tức khoảng 7 mốc khám thai cần thiết. Với các trường hợp gặp phải những vấn đề bất thường như cao huyết áp hoặc bệnh lý trong lúc mang thai, số lần khám thai sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, bác sĩ Đặng Hiền lưu ý nếu bạn sống ở khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, bạn nên gọi điện báo cho bác sĩ của bạn, cân nhắc về việc hoãn lịch khám. Với một số giai đoạn quan trọng, không thể bỏ qua việc thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn mẹ bầu cách xử trí hợp lý, an toàn nhất, ví dụ lấy mẫu tại nhà, kết hợp đeo khẩu trang, rửa tay và khử khuẩn cẩn thận.
Tiêm phòng vaccine Covid-19
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thai phụ chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine phòng Covid-19 từ 13 tuần trở lên khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi. Trong trường hợp khu vực bạn sinh sống nằm trong tâm dịch, vùng đỏ có nhiều nguy cơ mắc Covid-19, bạn nên tiêm vaccine. Trong trường hợp thai phụ ở vùng xanh, vùng an toàn ít có nguy cơ lây nhiễm thì có thể cân nhắc tiêm sau sinh.
Một lưu ý của bác sĩ Đặng Hiền là theo tình hình thực tế hiện tại, phụ nữ mang thai sức đề kháng giảm hơn so với người bình thường, do đó, khi mắc Covid-19, tình hình của phụ nữ mang thai dễ trở nặng. Vì vậy việc tiêm phòng chống Covid-19 sẽ có lợi hơn cho cả mẹ và con nếu mẹ không may mắc bệnh.
Bộ Y tế cũng cho biết các loại vaccine hiện có ở Việt Nam đều có thể tiêm cho thai phụ và người đang cho con bú, trừ vaccine Sputnik V. Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho phụ nữ có thai cũng như người bình thường đều phải khám sàng lọc, lưu ý về bệnh nền, dị ứng hoặc những bệnh nội khoa khác.
Khi tiêm vaccine ngừa Covid-19, bạn có thể gặp phải một số hiện tượng bất thường về sức khỏe như các biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân, bao gồm phản ứng thông thường sau tiêm chủng và tai biến nặng sau tiêm chủng. Phụ nữ mang thai cần theo dõi những biến cố bất lợi sau tiêm chủng tương tự những người được tiêm chủng khác.
Duy trì thói quen sinh hoạt điều độ
Trong thai kỳ, bạn nên duy trì lối sống, sinh hoạt điều độ để tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh tật. Mẹ bầu cần lưu ý đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, bổ sung sữa trong khẩu phần ăn, tránh ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, muối, chất kích thích... Ngoài ra, thai phụ cần lưu ý uống đủ nước (từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày), vận động thường xuyên bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc và giữ tâm lý thoải mái.
Chuẩn bị tinh thần đi khám một mình
Để đảm bảo giãn cách xã hội, nhiều cơ sở y tế, phòng khám và bệnh viện có quy định chỉ thai phụ mới được vào thăm khám. Tuy vậy, nhiều cơ sở y tế có thể gửi được video, ảnh quá trình khám thai về email của bệnh nhân để gia đình bệnh nhân xem sau, giúp thai phụ bớt tủi thân, chia sẻ được cảm xúc của mình với gia đình sau thăm khám.
Trong trường hợp thai phụ nghén nặng, mệt mỏi, cần người đi cùng, bác sĩ Đặng Hiền cho biết chồng hoặc người thân thai phụ vẫn có thể đi cùng và chờ ở trước cửa của cơ sở y tế và thai phụ sẽ được đội ngũ y tế tiếp đón, hướng dẫn trong quá trình thăm khám.
Hằng Trần