![]() |
Hệ thống đường ống dẫn khí Thị Vải. |
Bốn quan chức bị bắt giữ là Nguyễn Trọng Nhưng, Giám đốc Công ty thiết kế và xây dựng dầu khí (PVECC), Đặng Đình Bính, Giám đốc Xí nghiệp sửa chữa các công trình dầu khí (một đơn vị trực thuộc PVECC), Bỳ Văn Tứ, nguyên Phó ban quản lý dự án khí của Petro Việt Nam và Đặng Hữu Quý, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng dầu khí (PVICC).
Ông Nhưng bị bắt ở Hà Nội, ông Bính và ông Tứ bị bắt tại TP Vũng Tàu, còn ông Quý bị bắt ở TP HCM. Theo quyết định khởi tố bị can, 4 nhân vật trên đã “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khiến công trình kho cảng LPG Thị Vải lún sụt nghiêm trọng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trước đó, 4 cá nhân này đã bị cấm xuất cảnh trong mọi trường hợp
![]() |
Ông Đặng Hữu Quý. |
Theo nguồn tin riêng của VnExpress, đến 11h30’ hôm qua, nội dung việc bắt giữ đã được thông báo chính thức cho ban lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam). Riêng việc khám xét nơi ở và làm việc của các cá nhân này tiếp tục diễn ra đến cuối giờ chiều 25/8.
Kho cảng LPG (khí hóa lỏng) Thị Vải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là công trình kho cảng hiện đại nhất của ngành dầu khí Việt Nam trị giá hàng chục triệu USD. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay của Thị Vải là do Petro Việt Nam đã sai lầm khi chọn Công ty Thiết kế xây dựng dầu khí (PVECC) làm tổng thầu.
Không chỉ “vượt” thời gian thi công 2 năm, công trình LPG Thị Vải còn... lập thành tích “vượt” nhiều thứ khác. Trong đó đáng lưu ý là khoản chi phí đầu tư vượt dự toán 14 triệu USD so với tổng dự toán tạm tính được Chính phủ phê duyệt. Cơ quan thanh tra xác định hàng loạt sai phạm về tài chính trong thực hiện công trình này, đề nghị xử lý thu về ngân sách nhà nước hơn 134 tỷ đồng. Riêng quyết toán sai định mức đơn giá, thanh quyết toán hơn chứng từ đã ngót nghét 2 tỷ đồng. Đặc biệt nghiêm trọng là Nhà nước phải nhận về công trình nhóm A không tương xứng với đồng tiền đã bỏ ra...
Một vấn đề khác liên quan đến sử dụng kinh phí đầu tư cho dự án là việc mua thiết bị, vật tư - nơi thanh tra phát hiện có những dấu hiệu không minh bạch, bớt xén của công. Cụ thể, thiết bị đo hiệu chỉnh đường ống xuất gas khí lỏng trị giá 68.000 USD do tổng thầu cung ứng sau khi vận hành chưa bao lâu đã hư hỏng, nên hiện phải thuê của một đơn vị giám định mỗi ngày tốn hàng ty đồng.
Nhưng nghiêm trọng hơn cả là hiện nay công trình đang hoạt động trong tình trạng còn nhiều tồn đọng, cần phải khắc phục. Tuyến ống, kho, cảng LPG Thị Vải được đưa vào nghiệm thu khai thác vận hành từ ngày 7/8/2001 với 162 sự cố tồn đọng. Đến tháng 8/2002, khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước đến kiểm tra, đã phát hiện vẫn còn 29 tồn đọng. Công trình chưa được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế do còn các tồn đọng về công nghệ.
Tuy nhiên, sai phạm lớn nhất khiến 4 cá nhân bị bắt (tính đến thời điểm 25/8) là vụ san lấp nền công trình LPG Thị Vải tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua kiểm tra hồ sơ, việc chỉ định 2 nhà thầu PVECC và Công ty xây dựng dầu khí (Bộ Xây dựng) san lấp mặt bằng 108.000 m2 kho LPG Thị Vải không chặt chẽ. Thực tế, họ đã giao lại cho 2 đơn vị là Xí nghiệp sửa chữa các công trình dầu khí và Xí nghiệp xây dựng số 2 (thuộc Công ty xây dựng dầu khí) thi công. Hai đơn vị này tiếp tục giao lại cho các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân khác san lấp.
![]() |
Ông Nguyễn Trọng Nhưng. |
Mặc dù vật liệu thi công đã được quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn và nơi cung cấp nhưng các bên thi công đã không tuân thủ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt, lún nền công trình. Trong số 414.000 m3 vật liệu đưa vào san lấp nền kho cảng LPG Thị Vải, có tới trên 46% là đất tầng phủ, đất đỏ và cát lẫn tạp chất, chất hữu cơ. Việc làm trái quy định của Nhà nước về đảm bảo chất lượng công trình, vi phạm quy chế quản lý đầu tư xây dựng này được quy trách nhiệm cho ông Bì Văn Tứ (lúc đó là Phó giám đốc Ban quản lý dự án kho cảng) và Đặng Đình Bính, giám đốc Xí nghiệp sửa chữa các công trình dầu khí.
Trước đó, cơ quan an ninh đã khám xét nhà và tạm giam 6 quan chức ngành dầu khí, trong đó có Phó tổng giám đốc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro Dương Quốc Hà và Phó tổng giám đốc Petro Việt Nam Nguyễn Văn Thường. Thủ tướng cũng đã cách chức Tổng giám đốc Petro Việt Nam Nguyễn Xuân Nhậm.