Một gia đình sử dụng hầm biogas. |
Nguyên nhân tai nạn được các cơ quan chức năng diễn giải như sau: Màng sinh học trong hầm ủ khí nhà ông Thạch dày lên, làm lượng khí lên ít. Thấy vậy, ông Thạch đã tháo nắp và dùng máy bơm bơm nước ra. Sau đó, ông dùng thang dây xuống hầm. Khi xuống gần hầm ủ khí biogas (còn gọi là bể to), ông ngất và chết ngay do bị ngạt khí độc mêtan.
Trước đó, tại gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng xảy ra một vụ ngạt khí mêtan trong hầm khí biogas, khiến một người chết và 2 người phải đi cấp cứu.
Theo ông Phạm Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn (Hội Làm vườn Việt Nam), khi hầm khí có hiện tượng đóng váng (màng sinh học dày lên) khiến khí lên ít, cần báo cho cơ quan chuyên môn xử lý. Nếu gia đình tự xử lý thì phải mở nắp hầm ủ khí một thời gian dài để khí mêtan bay hết, sau đó dùng gậy chọc phá màng sinh học, bơm nước vào để đẩy lớp váng ra. Sau khi chọc thủng lớp váng, phải chờ vài tiếng mới được mở nắp hầm. Tuyệt đối không tự xuống hầm ủ khí trong bất cứ trường hợp nào nếu không có sự kiểm tra và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Hầm biogas sau khi được xây xong theo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm tra độ kín và được phép sử dụng cần bảo đảm các yêu cầu sau: nguồn phân, nước phân sử dụng không pha trộn các hóa chất; phân thải cần được nạp đều đặn hằng ngày; định kỳ 6 tháng vét bã trên tầng áp lực một lần; 5 năm vét bã trong tầng hầm chứa gas và 10 năm vét hầm một lần.
Có 2 cách vét bã tầng áp lực
Cách 1: Múc hết bã nổi trên tầng áp lực, xả gas cho nước tụt về hầm để trơ vòm hầm. Tiếp theo, nút đầu ống lấy gas lại; sau 6-12 giờ hầm sẽ phát sinh lượng gas tốt.
Cách 2: Bơm khí vào hầm qua ống nạp phân cho đến khi khí thoát qua chân cống trào, xả cho nước tụt về hầm, vét bã trên vòm. Sau đó, bơm nước vào ngập vòm để đẩy không khí trong hầm ra ngoài, nút đầu cống lấy gas lại. Sau 6-12 giờ, lượng gas sẽ phát sinh đầy đủ.
Cách vét bã trong hầm chứa gas
Hầm tự động thải bã nhưng không hoàn toàn thải hết được, lâu ngày bã trong hầm sẽ chiếm dần thể tích tầng chứa gas. Khi vét, cần bơm nước vào hầm cho đến khi khí dư thoát qua chân cống trào. Xả khí cho nước tụt về hầm, kéo cống trào lên, dùng cào răng móc hết lớp bã nổi trên bề mặt rồi đóng cống trào lại. Bơm nước ngập vòm, đóng đầu ống lấy gas lại. Sau 6-12 giờ, hầm phân huy sinh lượng gas đủ dùng
Hầm sử dụng lâu năm sẽ có các chất cặn lắng tụ làm cạn đáy, khiến lượng ga giảm, cần vét. Khi vét, nên múc hết nước và bã trên tầng áp lực, dùng đòn bẩy nâng cống trào lên, dùng cào răng móc bã, vét sạch hầm rồi nạp phân vào. Nếu muốn có ga dùng ngay thì cho 20% lượng phân cũ trở lại hầm (không lẫn bã, đất cát).
Khi nguồn phân đã nạp vào, nếu thấy gas cháy có ngọn lửa xanh, phân và nước trên tầng áp lực ngả mà đen, sủi bọt ít nghĩa là hầm sản xuất gas tốt. Nếu lượng gas ít thì phải thêm phân vào hầm. Nếu gas cháy ngọn lửa vàng, khó tắt lửa, nhiệt tỏa thấp tức là phân trên tầng còn tươi, bốc mùi thối hoặc sủi bọt nhiều do phân hủy chậm. Cần đưa phân vào hầm cho đến khi lượng ga tiếp tục tăng lên.
Khí biogas được sinh ra khi xác động vật và các chất hữu cơ lên men trong điều kiện hiếm khí. Khí biogas gồm khoảng 60% mêtan (CH4), 40% carbonic (CO2) và dưới 1 % H2S. Mêtan không màu, không mùi, làm cho khí biogas có thể cháy được, còn H2S chiếm số lượng ít nhưng làm khí gas có mùi hăng khó chịu. Khí biogas an toàn, không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Nó chỉ gây ngạt và có mùi hôi khó chịu khi bị xì ra ngoài. Vì vậy, trong quá trình sử dụng, không để khí biogas xì qua các chỗ nối, khe hở. Khí biogas nếu xì ra ngoài trong phòng kín hẹp thì có thể tạo hỗn hợp nổ với không khí; vì vậy cần mở cửa nhà bếp thông thoáng trước khi dùng. |
(Theo Khoa Học & Đời Sống)