Nhìn các tình nguyện viên xếp hàng ra về sau một ngày dài không nghỉ lúc 22h ngày 10/10, ở buổi tưởng niệm cuối cùng, Võ Thành Trung, cháu nội Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã xúc động viết trên Facebook: "Triệu con tim chung một nhịp đập. Gia đình xin gửi đến các bạn lời cảm ơn chân thành nhất...".
Võ Thành Trung đã nói thay lời cảm ơn của hàng trăm nghìn người từ khắp mọi miền đất nước và những vị khách nước ngoài đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tới các tình nguyện viên. Họ đã ngất, nhiều đôi chân đã phải khụy xuống cho đỡ mỏi hay đói lả đi vì trời quá nóng... nhưng họ vẫn miệt mài và nhiệt tình với công việc, như một lời tri ân tới vị tướng tài ba của dân tộc.
Vòng quanh khu vực viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày qua là sự xuất hiện của rất đông các tình nguyện viên. "Mọi người đeo túi sang vai phải", "Hãy tắt điện thoại"... là câu thường trực của nhóm tình nguyện viên đứng gần cửa nhà Đại tướng. Ở những khu vực khác, bóng áo xanh nắm tay nhau phân đường, phát nước uống, đồ ăn, quạt mát, giúp đỡ hàng nghìn người dân đến viếng.

Các tình nguyện viên chia thành nhiều nhóm, với nhiều hoạt động phục vụ người dân đến viếng, như quạt cho dòng người đang xếp hàng vào viếng. Ảnh: Quý Đoàn
Ninh Thị Loan, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Tình nguyện thủ đô, mỗi ngày có 300 tình nguyện viên đến trợ giúp tang lễ. Riêng ngày cuối cùng hôm qua 10/10, con số này đã tăng lên hơn 400 do lượng người đến viếng quá đông.
Chốt ở khu vực trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc 14h chiều, Lan Anh - sinh viên học viện Tài Chính gương mặt đỏ ửng, áo quần nóng ran vì đứng nắng đã được hơn 3 tiếng. Tuy nhiên, trên gương mặt nữ sinh này lúc nào cũng thường trực nụ cười. Lan Anh bảo, những lời cảm ơn của bà con dành cho mình đã xua tan đi bao mệt mỏi của chiều phải đứng nắng. Hơn nữa việc được là một thành viên của đội tình nguyện phục vụ tang lễ Đại tướng là niềm vui, niềm tự hào lớn.
Không thuộc đội tình nguyện làm nhiệm vụ ở khu vực tang lễ nhưng sau hôm đi viếng Đại tướng, thấy được sự vất vả của các tình nguyện viên, Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) đã tự nguyện giúp đỡ các bạn. Từ sáng qua, cô đã có mặt tại Điện Biên Phủ để đi phát nước, làm hành lang hướng dẫn người dân đi lại trật tự.
Khó khăn lớn nhất của các tình nguyện viên phục vụ tang lễ có lẽ là việc giữ trật tự, thuyết phục, ngăn cản dòng người sốt ruột vào viếng Đại tướng. Khoảng 12h trưa 10/10, đoạn đường Điện Biên Phủ rất rối ren. Nhiều người phá hàng đi lên trước rồi ủn đẩy nhau hoặc đứng dạt chen chúc lòng đường. Các tình nguyện viên khác đã phải rất vất vả để thuyết phục, ngăn người dân lại.

Khó khăn lớn nhất của các bạn tình nguyện viên là giữ trật tự và phân đường. Ảnh: Quý Đoàn
“Lúc đó tôi rất sợ. Dòng người bị tắc lại ở đoạn Điện Biên Phủ khá bức xúc, muốn được di chuyển tiếp để sớm vào viếng Đại tướng. Họ chen lấn, xô đẩy nhau làm hành lang di chuyển mà các tình nguyện viên tạo ra bị “vỡ trận”. Bọn tôi đã phải ra sức nắm chặt tay nhau, thuyết phục các cô bác đi lại trật tự. Có lẽ do trời nắng quá, dù được phát bánh mì, nước uống nhưng chắc ai cũng đói, mệt và trên hết nên mới có sự nôn nóng như vậy. Tuy mệt vì phải căng mình ngăn cản, huyết phục, thậm chí có lúc còn bị nghe mắng nhưng chúng tôi vẫn rất thông cảm với người dân. Chúng tôi đều hiểu tất cả đều mong được vào viếng Đại tướng”, Nguyễn Thị Phương, học viện Ngoại Giao một tình nguyện viên khác ở chốt Điện Biên Phủ với kể lại.
Phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, chịu áp lực từ mấy chục nghìn người nhưng các tình nguyện viên vẫn luôn niềm nở trò chuyện, nhắc nhở bà con đi lại, chỉnh tề trang phục. Đây là những kỹ năng, nhiệm vụ mà các bạn ấy được chú trọng hướng dẫn những ngày đầu mở cửa cho người dân vào viếng Đại tướng, trong mỗi buổi tập trung phân chia khu vực trực. Hình ảnh các áo xanh người đầu trần, người mũ mỏng đứng dưới nắng nóng quạt mát, miệng cười tươi thăm hỏi, động viên đồng bào khiến nhiều người xúc. Bà Tâm, nhà ở phố Nguyễn Thái Học sau khi vào viếng Đại tướng đã đến khu vực ngã rẽ Điên Biên Phủ - Hoàng Diệu đứng quạt cho các tình nguyện viên đang dàn hàng làm dải phân cách. Bà Tâm bảo rằng: “Vì thấy các sinh viên vất vả quá, cả ngày đi phục vụ đồng bào nên giờ có thời gian bác cũng muốn giúp lại”.
Ninh Thị Loan nói thêm, trong ngày cuối cùng đã có 2 tình nguyện viên bị ngất trong thời gian làm việc bởi kiệt sức. Trước 21h, một số “áo xanh” trên đường Hoàng Diệu cũng phải tranh thủ lúc ít người để khụy chân, ngồi nghỉ. Tuy nhiên phần đông các bạn vẫn đứng tươi tỉnh làm nhiệm vụ.

Ngày cuối cùng, thời gian làm việc kéo dài nên nhiều bạn tình nguyện viên tỏ ra rất mệt mỏi. Ảnh: Nguyên Anh
Đã trực ở đường Hoàng Diệu từ sáng sớm đến 21h ngày viếng cuối nhưng Vũ Thị Thủy Tiên, sinh viên năm 3 Học viện Quản lý giáo dục vẫn cười bảo: “Dù mỏi chân nhưng mình vẫn còn phục vụ tốt cho đồng bào đến phút cuối ngày viếng”.
Trang Trang