Gần 20 năm gắn bó với công việc thiết kế hoa cưới, mâm quả lễ cho các sự kiện tâm linh, anh Hoàng Khánh (Hà Nội) đã nhiều lần giải đáp các câu hỏi của khách hàng liên quan đến một trong những lễ cúng được người Việt coi trọng nhất: Rằm tháng 7. Tùy vào điều kiện, từng gia đình có thể sắm sửa, tổ chức cầu kỳ hay đơn giản, nhưng Hoàng Khánh đưa ra một số lưu ý giúp gia chủ chuẩn bị được một lễ cúng rằm vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại mà vẫn giữ được giá trị truyền thống.
1. Lễ cúng Vu Lan Báo Hiếu (Rằm tháng 7) được tổ chức vào ngày nào?
Ngày lễ Vu Lan theo quan điểm Phật giáo cũng như truyền thống của người Việt được bắt đầu từ ngày mùng 9 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch. Vì vậy, các gia đình có thể sửa soạn lễ cúng trong khoảng thời gian này, tốt nhất là từ mùng 9 đến ngày 14 tháng 7 âm lịch. Nếu cúng vào ngày 15/7 âm lịch thì phải hoàn tất vào buổi trưa.

Bạn có thể chọn các loại hoa, quả mùa thu cho mâm cúng ngày rằm tháng 7 theo phong cách truyền thống.
2. Nên sắm sửa những vật phẩm gì cho lễ cúng rằm tháng 7?
"Trách bỏ giỗ chứ không ai trách giỗ mọn", quan trọng là lòng thành và tâm chúng ta đặt vào khóa lễ. Gia chủ nên sắm sửa: hương, hoa, đăng (nến), trà, quả, thực (cơm canh thanh đạm). Ví dụ, bạn nên chọn hoa, quả màu vàng, xôi chè khi cúng Phật. Còn với lễ Gia tiên, bạn có thể chọn những loại hoa quả, bánh trái mà ông bà khi còn sống thích. Hoặc bạn cũng có thể chọn những loại đồ lễ phù hợp với gia đình để thụ lộc sau khi lễ Phật, cúng Gia tiên.
3. Không nên cúng cháo, đốt vàng mã cho chúng sinh trong ngày này?
Đốt vàng mã quá nhiều sẽ là một sự lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, đặc biệt hiện nay các nhà phố xây dựng san sát nhau và gia đình sống trong chung cư không phù hợp để làm lễ cúng rườm rà.
Bởi vậy, thay vì cúng cháo, đốt vàng mã, bạn có thể đến chùa tham gia đàn tràng cầu phúc, tụng kinh và phóng sinh cũng như nương tựa cửa Phật để làm "từ thiện" cho các vong linh sẽ lợi lạc hơn cả.

Bày xen kẽ hoa và quả được nhiều gia đình trẻ, hiện đại ưa chuộng.
4. Nên làm gì trong ngày lễ Vu Lan?
Bên cạnh việc thể hiện lòng biết ơn, báo đáp với người đã khuất bằng mâm cỗ cúng, theo quan niệm dân gian, con cháu nên làm một số hoạt động để thể hiện tình yêu thương của mình với các đấng sinh thành như:
- Tham dự lễ Vu Lan và cài hoa lên ngực áo: Nghi thức "Bông hồng cài áo" là để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế, đồng thời cũng là để tôn vinh những người mẹ còn lại trên thế gian này. Đối với nghi thức này, người nào còn đầy đủ cha và mẹ sẽ dùng hoa hồng đỏ, những người nào mất hết cả cha và mẹ sẽ dùng hoa hồng trắng, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ sẽ dùng hoa hồng màu nhạt hơn.
- Ăn chay: Đây là một tục tín ngưỡng của người Việt về với chốn thanh tịnh, thể sự sự thành tâm, tránh sát sinh. Ăn chay không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
- Sống tốt để không phụ công dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ.
Ảnh: Hoàng Khánh Weddings & Events Styling