Những ngày này, làng biển nghèo Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An) xôn xao bởi thông tin 2 thanh niên của làng đi xuất khẩu lao động làm thủy thủ bị hải tặc Somalia bắt cóc và chính họ đã vùng dậy đánh lại những tên cướp biển hung hãn để giải thoát cho mình. Ngày 30/11, cả làng lại bất ngờ khi những thanh niên trở về khỏe mạnh.
Là những thanh niên nghèo, không có nghề nghiệp nên tháng 7/2011, Nguyễn Văn Thủy (21 tuổi) cùng anh con bác Nguyễn Văn Tiến (29 tuổi) vay mượn tiền ngân hàng cùng nhau đi xuất khẩu lao động với mong ước đổi đời. Sau khi hoàn thành các thủ tục, Thủy và Tiến cùng 3 thuyền viên khác người Hà Tĩnh lên tàu cá Đài Loan Chin Yi Wen trọng tải 290 tấn, chuyên đánh bắt cá ở vùng biển Ấn Độ Dương.
Ngày 3/11, thuyền trưởng ra lệnh anh em thả neo đánh cá ở vùng biển Trung Phi. Khi các thuyền viên đang thả câu thì bất ngờ nghe tiếng súng nổ liên hồi cùng 2 chiếc ca nô cao tốc lao vun vút tiến đến áp sát mạn tàu. Sau hồi nổ súng, một nhóm người chạy lên khoang tàu cá, dùng súng và lựu đạn khống chế thuyền trưởng. "Nghe tiếng súng nổ, mọi người đều chạy trốn hết nhưng khi thấy thuyền trưởng bị bắt thì tất cả đều sợ hãi và ngoan ngoãn làm theo nhóm hải tặc", anh Thủy nhớ lại.
![]() |
Hai thuyền viên Tiến và Thủy mừng vui ngày trở về. Ảnh: Thùy Linh |
Khi bị hải tặc bắt và lục tung toàn bộ đồ đạc, tư trang trên người, tất cả đều đã nghĩ đến cái chết, nhất là khi 28 thủy thủ bị giam trong một căn phòng nhỏ xíu, đặt tay sau gáy, không được nói chuyện, nếu có ý chống cự lập tức bị chúng nổ súng ngay. Khống chế xong các con tin, nhóm hải tặc yêu cầu thuyền trưởng quay mũi tàu, chạy thẳng về hướng Somalia.
Ngày 5/11, khi tàu sắp đến vùng biển Somalia, nhóm hải tặc bắt đầu chủ quan, cho mọi người nói chuyện nhỏ. "Lúc này thấy 6 tên hải tặc da đen bồng 4 khẩu súng cùng nhiều lựu đạn trên tay, ai cũng nghĩ sẽ không thể sống nổi. Đằng nào cũng chết nên anh em muốn đứng dậy đánh lại cướp biển. Dù chúng có súng nhưng khi cả 28 người đồng loạt lao lên thì không ai làm gì được", thuyền viên Nguyễn Văn Thủy kể lại.
Như cùng chung một suy nghĩ, cả 28 thủy thủ đều đồng lòng đánh lại cướp biển. "Chiều 6/11, khi thấy 2 tên hải tặc đi ngủ, thuyền trưởng bí mật phát lệnh tấn công, 5 thủy thủ người Việt xông lên cướp súng của hải tặc giơ mũi lên trời. Các thủy thủ khác lao vào đấm đá túi bụi rồi khống chế được mấy tên hải tặc. Khi đã cướp được súng, các thủy thủ liền xô đám hải tặc xuống biển. 2 tên đang ngủ thấy thế sợ quá cũng nhảy xuống luôn", thuyền viên Nguyễn Văn Tiến nói về trận đánh với những tên hải tặc hung hãn.
Chưa kịp vui mừng thì bất ngờ thuyền trưởng thông báo có một nhóm hải tặc đang đuổi theo để đoạt lại tàu, tất cả thuyền viên không ai bảo ai đều hối hả giúp thuyền trưởng tăng tốc, nối lại hệ thống thông tin để phát tín hiệu cấp cứu đồng thời một số người khác cầm súng đứng canh giữ.
Khi tất cả đang lo lắng thì trên bầu trời xuất hiện 2 máy bay trực thăng của lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển nghe được tín hiệu cấp cứu nên bay đến, một lúc sau có thêm chiếc tàu chiến cỡ lớn chạy tới để bảo vệ tàu cá Chin Yi Wen. "Lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm và ôm chầm lấy nhau khóc nức nở vì vui mừng", hai thủy thủ cười lớn.
Sau khi được băng bó vết thương, định vị lại tàu để hướng vào bờ, các thủy thủ được thuyền trưởng đưa vào bờ. Ngày 27/11, họ cập cảng Singapore, được ông chủ mua vé máy bay để về Việt Nam và hứa sẽ trọng thưởng.
"3 ngày nằm trong tay cướp biển dài hơn 10 năm, chúng tôi cứ nghĩ mình đã chết rồi không ngờ lại cướp được súng để trở về nhà. Có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ là mình còn sống", hai anh em Tiến, Thủy vui mừng tâm sự.
Thùy Linh