Phát biểu nhân ngày Thế giới phòng chống viêm phổi (12/11), bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) khuyến cáo, viêm phổi, thủy đậu và tiêu chảy do rotavirus là những bệnh nguy hiểm đến tính mạng với trẻ nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết để đề phòng.
Viêm phổi
Đây là căn bệnh đứng đầu danh sách các bệnh truyền nhiễm gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Thống kê mới nhất cho thấy viêm phổi là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới. Ước tính cứ một phút thì có 6 trẻ qua đời vì viêm phổi và chỉ trong năm 2015, thế giới đã có gần một triệu trẻ tử vong vì bệnh này. Ở Việt Nam, mỗi năm có gần 3 triệu bé bị mắc mới.
Tất cả các độ tuổi đều có thể bị mắc bệnh nhưng biến chứng và tử vong nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi và nhiều nhất ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Triệu chứng thường thấy là lạnh run, sốt, đau ngực khi hít thở hoặc khi ho, mệt mỏi chán ăn, ho đàm có màu đậm, khó thở, ho ra máu.
Phần lớn nguyên nhân gây viêm phổi là do vi khuẩn (phế cầu). Khi vào cơ thể, phế cầu khuẩn gây nhiễm trùng hô hấp, tổn thương phế nang và mô bao quanh phế nang trong phổi. Hiện tượng viêm dẫn đến lấp đầy các phế nang, làm cản trở quá trình trao đổi khí. Tình trạng này khiến trẻ dễ bị suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết...
Để phòng bệnh, phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh đôi tay, tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc, cải thiện môi trường sống, cho trẻ bú mẹ đủ 6 tháng và đặc biệt là nên tiêm phòng. Việc tiêm phòng có thể thực hiện sớm (trước 6 tháng tuổi) và lịch tiêm tùy thuộc vào bác sĩ tư vấn.
Tiêu chảy do virus rota
Cứ 2 trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thì có thể có một trẻ do virus này gây ra. Trẻ dễ bị mất nước nặng vì đã nôn ói lại tiêu chảy lên đến 20 lần một ngày. Nếu không nhập viện điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong, rối loạn cân bằng các chất trong cơ thể, rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Đường lây của bệnh tiêu chảy cấp do virus rota chủ yếu qua tay bị nhiễm và đưa vào miệng khi trẻ bốc, nắm đồ chơi. Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi dễ bị nhiễm rotavirus khi bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ lây nhiễm và triệu chứng bệnh càng nặng. Rotavirus tồn tại bền vững và lây nhiễm trong phân khoảng một tuần. Chúng có thể sống trên tay và bề mặt cứng trong nhiều giờ.
Cho đến nay, việc cho trẻ uống vaccine phòng tiêu chảy do rota vẫn là cách hữu hiệu nhất. Việc uống phòng bệnh được thực hiện càng sớm càng tốt.
Thủy đậu
Bệnh thủy đậu còn có tên gọi khác như trái rạ. Bệnh do siêu vi trùng varicella - zoster herpes gây ra. Đây là bệnh rất hay lây. Bệnh lây qua đường hô hấp, siêu vi trùng gây bệnh có trong các chất tiết qua đường hô hấp, trong chất dịch của mụn nước (nốt rạ). Người lành hít phải chất tiết này khi người bệnh ho hay hắt hơi sẽ bị bệnh.
Bệnh thường gặp ở trẻ em. Người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh cũng bị lây và bệnh nặng hơn trẻ em, có thể là nguồn lây cho trẻ em trong nhà. Bệnh thủy đậu xuất hiện 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12-24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ 1-3 mm đường kính, chứa dịch trong. Những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Bên cạnh mụn nước, trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh kéo dài 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước nhưng không để lại sẹo. Trường hợp bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, siêu vi trùng sẽ lây qua bào thai gây sảy thai, hay trẻ khi sinh ra sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh… Trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ bị lây bệnh sẽ diễn tiến rất nặng với mụn nước nổi nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh thuỷ đậu hiện nay là tiêm ngừa. Trẻ có thể bắt đầu tiêm ngừa từ 18 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Lịch tiêm sẽ được các bác sĩ tư vấn cụ thể và cần phải thực hiện theo đúng hướng dẫn.
>> Cách nhận biết và chăm sóc trẻ viêm phổi
Thiên Chương