Các PV cùng lính đặc nhiệm Thái Lan đang trên đường vào cứ địa của Khun Sa (bên cạnh là cột mốc biên giới Myanmar). Ảnh chụp bên ngoài khu vực "tổng hành dinh" của Khun Sa. |
“Tổng hành dinh” của Khun Sa
Từ Chiang Rai - cực bắc Thái Lan, nhóm PV vượt qua gần 20 km đường đèo dốc quanh co, hai bên chỉ có bạt ngàn rừng, núi và vực thẳm sâu hun hút để đến được vùng biên giới hiểm trở nhất giữa Myanmar và Thái. SarChai, một nhà báo tự do nổi tiếng của Thái Lan, dẫn đường cho chúng tôi nói: “Trước đây không ai dám bén mảng tới khu vực này vì luôn có những tay súng thiện xạ chỉ mới 12-13 tuổi của Khun Sa canh phòng, sẵn sàng nổ súng tiêu diệt bất cứ ai xâm phạm lãnh địa, kể cả quân đội Myanmar hay Thái”.
Theo báo cáo năm 2005 của Chương trình kiểm soát ma túy quốc tế của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có đến 20 tấn ma túy các loại được UWSA sản xuất và chuyển đi khắp thế giới.
Con đường biên giới ngày càng hẹp dần, thấp thoáng xa xa những đoàn lừa di chuyển ẩn hiện qua lại mà theo SarChai thì đó là những đoàn lừa chở thuốc phiện đến những điểm chế biến bí mật. Bám theo những đoàn lừa đó là những tay súng được ngụy trang khắp người bằng lá rừng để bảo vệ nguồn hàng. Quá trưa, chúng tôi đến một cột mốc biên giới giữa Thái Lan và Myanmar. Không khí như nóng lên bởi sự đồn trú của gần 3.000 lính đặc nhiệm Thái Lan túc trực 24/24 để chống lại cuộc chiến thuốc phiện.
Như “người nhà”, SarChai bước đến trao đổi với viên trung úy người Thái. Viên trung úy đồng ý cho hai người lính đặc nhiệm đưa chúng tôi sang đất Myanmar. Đến chốt biên giới của quân đội Myanmar, những người lính sau một hồi xin ý kiến cấp trên đã đồng ý cho chúng tôi đi vào “tổng hành dinh” của Khun Sa chỉ với một điều kiện: không được quay phim, chụp ảnh. Nếu vi phạm có thể bị lực lượng đặc nhiệm Myanmar từ các chốt gác bí mật bắn hạ mà không cần cảnh cáo.
Ghé vào khu tổng hành dinh Ho Mong của Khun Sa (thuộc bang Shan, Myanmar) hiện do quân đội Myanmar chiếm giữ. Hàng nghìn ngôi nhà chóp cao đặc trưng kiểu Miến kéo dài từng khu, từng dãy nhưng vô cùng vắng vẻ, không một bóng người. Trên đường chỉ có lính đặc nhiệm Myanmar cầm súng đi lại với ánh mắt dò xét. Cái thị trấn thuốc phiện giàu có này từng là nơi cư trú của 20.000 dân do “vua” Khun Sa cai quản.
Buổi tối, chúng tôi đốt lửa ngồi ngoài trời với những người lính đặc nhiệm. Đêm ở vùng biên giới trên độ cao 1.000m vô cùng lạnh lẽo và im ắng. Người lính đặc nhiệm Chua Chou Chiang năm nay 32 tuổi, là dân bản địa, kể: “Ngày trước nơi này về đêm rực rỡ ánh đèn. Cả thị trấn này là những sòng bạc thâu đêm, những sexy show cực kỳ rầm rộ. Hàng nghìn gái điếm từ khắp mọi nơi tìm về đây để kiếm tiền. Dân địa phương cũng phất lên nhờ buôn bán hàng hóa, thực phẩm cho lực lượng Khun Sa. Sau khi Khun Sa rút đi, dân lành cũng như gái điếm hoàn toàn thất nghiệp nên bỏ đi hết, cả thị trấn chỉ còn toàn lính đặc nhiệm...”.
Sóng ngầm UWSA
Năm 1996, sau vài chục năm làm giàu bằng cái chết trắng và tổ chức quân đội riêng với 15.000 tay súng đánh nhau với quân đội của cả ba nước Thái, Myanmar, Lào, Khun Sa đã biến mất. Myanmar tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn Tam giác vàng.
Nhưng thật ra, theo SarChai, Tam giác vàng vẫn tồn tại một cách âm thầm. Qua khỏi thị trấn, SarChai mượn ống nhòm của lính đặc nhiệm và chỉ cho chúng tôi xem phía xa xa những cánh đồng trồng cây thuốc phiện vẫn mượt xanh nằm sâu trong các triền đồi. Theo lời của người lính đặc nhiệm Chua Chou Chiang, người Myanmar vẫn kháo nhau là Khun Sa còn sống và hiện là chủ hệ thống khách sạn lớn ở Myanmar.
Ba con trai của ông ta cũng có nhiều khách sạn ở Thái và Myanmar nhưng hành tung rất bí ẩn. Lực lượng quân đội của Khun Sa thì đã rút vào rừng sâu để tìm thủ lĩnh mới...
Theo tài liệu của Ủy ban Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (ODC), việc trồng cần sa đang giảm mạnh ở Tam giác vàng. Thái Lan đang truy quét ráo riết, Lào cũng đã thành công trong việc triệt phá các cánh đồng thuốc phiện, Myanmar cũng đang vào cuộc. Cũng theo cơ quan trên, diện tích cần sa ở khu này đã giảm hơn 1/3, chỉ còn khoảng trên 30.000 ha.
Tuy nhiên, theo SarChai, một trong những nhà báo nước ngoài đầu tiên mà Khun Sa đồng ý cho phỏng vấn ngay tại tổng hành dinh trước đây, cho biết: "Sau thời Khun Sa thì nay lại đến thủ lĩnh Bao Youxiang với cái gọi là “quân đội thống nhất quốc gia Wa” (UWSA) đang làm chủ những cánh đồng thuốc phiện. Ông trùm thuốc phiện này cũng tàn bạo không kém Khun Sa trước đây".
Ban đầu Bao Youxiang lập phong trào chiến tranh du kích chống chính phủ. Năm 1989, Bao đã có quân đội riêng với 20.000 lính và hơn 40.000 nhân viên dân sự. Sau đó, thành lập nhà nước tự trị và năm 1996 trở thành ông trùm mới của Tam giác vàng sau thời Khun Sa. Tháng 1/2005, Bao Youxiang cùng ba tay chân thân tín của mình đã từng bị Tòa án New York xử vắng mặt về tội sản xuất bạch phiến và buôn lậu ma túy vào nước Mỹ. Cái đầu của Bao Youxiang được Mỹ treo giá 3 triệu USD.
“Không như Khun Sa trước đây, Bao Youxiang không thích tiếp xúc với báo chí nên tôi chưa có dịp gặp hắn. Nhưng tên này rất tàn bạo, đã từng cho lính bắn trọng thương một nhà báo Thái Lan khi anh liều lĩnh xâm nhập lãnh địa Bao Youxiang”, nhà báo kỳ cựu SarChai nói.
Khi chúng tôi đưa ý định được thâm nhập sâu hơn lãnh địa của Bao Youxiang, SarChai cười lắc đầu: “Tôi đã nhiều lần được gặp mặt Khun Sa, vậy mà Bao Youxiang thì chưa bao giờ. Từ đây muốn vào tới ngoại vi của “quốc gia tự trị Wa” nằm sâu trong rừng rậm phải qua 12 lớp hàng rào dày đặc mìn và lính vũ trang hỏa lực cực mạnh”.
Sáng hôm sau SarChai và những người lính đặc nhiệm thúc giục chúng tôi quay trở lại đất Thái Lan, vì chúng tôi chỉ được phép ở khu vực này không quá 24 giờ. Chúng tôi về lại Chiang Rai, một vùng đất của Thái Lan trước đây cũng nằm trong Tam giác vàng, nhưng nay đã là thành phố du lịch sầm uất miền bắc Thái Lan, mà một trong những nơi thu hút du khách đến xem là các bảo tàng về thuốc phiện và cuộc chiến chống ma túy.
Cây cầu hữu nghị Mea Sai, nối liền Chiang Rai (Thái Lan) và Mea Sai (Myanmar) bây giờ luôn nhộn nhịp người qua lại với hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu mua bán, giải trí hiện đại…Từ đây có thể phóng tầm mắt về những cánh rừng bạt ngàn phía xa xa, ít ai biết rằng đằng sau đó vẫn còn những đoàn lừa chở thuốc phiện và các tay súng vũ trang vẫn âm thầm hoạt động. Tam giác vàng hôm nay vẫn còn hai bộ mặt với những đợt sóng ngầm âm ỉ bên trong...
(Theo Tuổi Trẻ)