Su Kan Shi Jie đưa tin buổi mai mối giấu mặt diễn ra đầu tháng này ở tỉnh Giang Tây, khi số lượng nam giới áp đảo nữ. Trong đoạn video được chia sẻ lên mạng xã hội Trung Quốc, hơn 20 chàng trai đứng xếp hàng chờ quét mã QR của một cô gái trên WeChat với hy vọng có cơ hội được hẹn hò cùng cô trong tương lai.
"Tôi thấy tầm thường vô cùng. Tôi thà sống độc thân cả đời còn hơn", người đàn ông quay video nói.
Trong video, các bức tường của căn phòng được dán vô số mảnh giấy, liệt kê thông tin cá nhân của mỗi người tham gia buổi mai mối, bao gồm tuổi, chiều cao, cân nặng, nền tảng học vấn, nghề nghiệp và gia đình cũng như các tiêu chuẩn mà họ đặt ra cho bạn đời.

Nhóm thanh niên xếp hàng quét mã QR một cô gái ở buổi mai mối giấu mặt. Ảnh: Weibo
Một phụ nữ 28 tuổi làm giáo viên mầm non nói trong hồ sơ của mình rằng cô mong chồng tương lai sẽ cao từ 1,7 m trở lên và ít nhất phải tốt nghiệp trung học cơ sở.
"Anh ấy tự kinh doanh cũng không sao, nhưng sẽ tốt hơn nếu có một công việc ổn định. Anh ấy phải là một người hướng ngoại với tinh thần dám nghĩ dám làm", người phụ nữ nêu rõ yêu cầu đối với những người theo đuổi mình.
Video về buổi mai mối được lan truyền nhanh chóng và thu hút hơn 48 triệu lượt xem, cùng hàng chục nghìn bình luận trên Weibo.
"Tôi không nói nên lời với tỷ lệ 20 người đàn ông xếp hàng để hẹn hò một phụ nữ", một người bình luận.
"Đây là hệ quả của chính sách một con và tư tưởng trọng nam khinh nữ", một người khác viết.
"Cảnh tượng này hoàn toàn trái ngược các khu thành thị, nơi có rất nhiều 'gái ế'. Các điểm mai mối trong công viên chỉ toàn tờ giới thiệu của nữ giới", người thứ ba nêu ý kiến.
"Gái ế" là thuật ngữ thường được sử dụng ở Trung Quốc, ám chỉ tâm lý phong kiến cho rằng cuộc đời của một người phụ nữ sẽ kết thúc nếu không kết hôn ở một độ tuổi nhất định, từ 25 tuổi ở nông thôn và 30 tuổi ở thành thị.
Trung Quốc có 722 triệu đàn ông và 690 triệu phụ nữ, với mức chênh lệch khoảng 32 triệu người, phần lớn tập trung ở những người sinh ra trong thời kỳ chính sách một con từ năm 1980-2015. Vấn đề này rõ ràng hơn ở các khu vực nông thôn, nơi tâm lý thích con trai hơn con gái đã ăn sâu vào tư tưởng người dân và nhiều phụ nữ rời đi làm việc ở thành phố.
Hậu quả là giá cô dâu đã tăng vọt trong thập kỷ qua trên khắp Trung Quốc. Các nhà trai thường trả cho cha mẹ cô dâu một khoản giống như tiền bồi thường cho việc nuôi dạy con gái, những người thường bị coi là không hiệu quả và ít được mong muốn hơn nhiều so với con trai và để thuyết phục cha mẹ người phụ nữ ủng hộ cuộc hôn nhân.
Hướng Dương (Theo SCMP)