Chiến thắng sau 50 năm của Chelsea khiến Abramovich, vốn đã nhận được nhiều sự kính trọng, nay lại càng được người dân khu Tây London coi như một vị thánh sống đích thực. Nên nhớ rằng, quận Chelsea chính là nơi cư ngụ của giới thượng lưu ở thủ đô xứ sương mù. Ông chủ của The Blues đã làm thay đổi hẳn cách nhìn của dân Ăng-lê với nước Nga, vốn vẫn bị coi là đất nước nghèo nàn với những chàng Ivan nát rượu. Tất cả đã khác!
Chức vô địch Premiership, món quà đầu tiên của Chelsea dành cho Abramovich. |
Thế nhưng, cách sông Theme hàng nghìn cây số, những người đồng hương của Roman lại không thật hả hê với "chiến công" đó. Nikolai Roganov, trưởng ban bóng đá của tờ Sovietsky Sport tâm sự với Reuters: "Có người cảm thấy tự hào khi một người Nga lại xây dựng nên một đội bóng xuất sắc như vậy, thế nhưng cũng có những cảm xúc trái ngược: Tại sao một doanh nhân Nga lại bỏ tiền đầu tư vào bóng đá Anh chứ không phải tại chính quê hương anh ta?".
Dẫu vậy, theo lời Roganov, cũng khó có thể phủ nhận tác động mà "hiệu ứng Chelsea" gây nên trong lòng các CĐV bóng đá xứ sở bạch dương: "Trước đây, nhắc đến bóng đá Anh, người Nga chỉ khoái MU, Arsenal và cùng lắm là Liverpool nhưng nay Chelsea mới là cái tên số 1".
Hiệu ứng này cũng có tác động 2 chiều. Mùa đông năm ngoái, trên khán đài sân Stamford Bridge ở London, nhiều CĐV Anh chính gốc đã đội trên đầu chiếc mũ lông cáo với 2 tai rủ xuống, thứ trang phục đặc trưng của những người "bonsevic". Trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp, "Kalinka" và "Kachiusa" cũng đã vang lên từ các dàn loa của sân vận động khổng lồ trên.
Khi Abramovich bắt đầu đổ tiền, đổ của vào đội bóng áo xanh, thị trưởng Moscow, ông Yuri Luzhkov đã phê phán nặng nề và cho rằng "Abramovich đã phỉ nhổ vào quê hương". Thế nhưng, khôn khéo hơn những nhà tài phiệt cùng lứa, những người đã giàu lên một cách kỳ lạ sau giai đoạn "Tư nhân hoá" của thập niên 90, Abramovich biết cách làm hài lòng Moscow. Thông qua công ty Sibneft, Roman tài trợ cho CLB CSKA Moscow 54 triệu USD.
Khi CSKA Moscow đón tiếp Chelsea tại vòng đấu bảng Champions League cuối năm ngoái, người ta đã thấy cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Bộ trưởng quốc phòng Sergei Ivanov và cựu Thủ tướng Kasyanov kề vai cùng Abramovich trên khán đài danh dự. Rõ ràng ông chủ của đế chế Sibneft tỏ ra "biết điều" hơn hẳn đại ca Khodorkovsky, người giàu nhất nước Nga trước kia nhưng nay thì đành ngậm ngùi ngồi sau song sắt.
"Sa hoàng" mới của nước Nga. |
Điều lo lắng duy nhất đối với các CĐV cả nghĩ ở sân Stamford Bridge là câu hỏi: Liệu Abramovich sẽ còn hứng thú với bóng đá đến bao giờ. Rất nhiều người đã lo sợ trước viễn cảnh, một ngày nào đó, khi Chelsea đã quen với việc tiêu tiền mà không phải suy nghĩ thì đột nhiên "ông bụt" Roman lại từ giã cuộc chơi. Đây không phải là chuyện tầm phào, một số người thân cận với tỷ phú người Nga đã tiết lộ tính cách của ông: "Abramovich là người sống theo các kế hoạch và mục tiêu. Một khi ông ấy đạt được mục đích của mình, Roman nhanh chóng 'mất hứng' và chuyển sang làm việc khác".
Tuy nhiên, có 2 người lại không tin vào điều đó: HLV Jose Mourinho và Giám đốc điều hành Peter Kenyon. Nhà cầm quân tài ba của Chelsea khẳng định ông tin vào cam kết lâu dài của Chủ tịch khi nhận thấy sự nhiệt tình của Abramovich với đội bóng. Không giống như cách một tỷ phú đối xử với món đồ chơi đắt tiền của mình, Roman thực sự trân trọng Chelsea. Ông dự khán hầu hết các trận đấu của The Blues, buôn chuyện với cầu thủ trong phòng thay đồ và thường xuyên tới thăm sân tập ở Surrey bất chấp thứ thời tiết đỏng đảnh của London. Về phần Kenyon, "kiến trúc sư" của Chelsea, ông không úp mở về tham vọng của ban lãnh đạo sân Stamford Bridge. Đó chính là quyết tâm "nhuộm xanh thế giới". Không chỉ cho MU, Arsenal "ngửi khói" về cả thành tích trên sân bóng lẫn chuyện chi tiêu, Kenyon còn muốn Chelsea đoạt ngôi vị số 1 của Quỷ đỏ ở châu Á, mỏ vàng của bóng đá thế giới. Hợp đồng mà Chelsea ký với đại gia Samsung chính là viên gạch đầu tiên trong chiến dịch này.
Mặc cho thiên hạ bàn ra tán vào, tiếng nói có trọng lượng nhất, tiếng nói của vị chủ tịch đầy quyền uy vẫn chưa được phát ra. Đối với Chelsea, Abramovich vẫn bí ẩn như chính cách ông thu vén tài sản khổng lồ của mình. Dẫu thế, dù có nhìn từ khía cạnh nào, Abramovich vẫn xứng đáng có tên trong biên niên sử của túc cầu thế giới. Và nếu như vậy, liệu những người dân Nga có nên mở vodka ăn mừng?
K.S.