Thứ tư, 29/4/2020, 15:59 (GMT+7)

14 sai lầm ăn uống cha mẹ thường làm với con

Các bậc cha mẹ đều quan tâm đến sức khỏe và thói quen ăn uống của con mình - như một lẽ tự nhiên. Nhưng đôi khi, họ có thể đang áp dụng sai phương pháp.

1. 'Mua chuộc' trẻ bằng món tráng miệng
Đây là một "chiến lược" mà nhiều bậc cha mẹ sử dụng, nhưng đồ ăn không bao giờ nên được đem ra như phần thưởng cho sự cố gắng của trẻ. Vì điều này sẽ hình thành suy nghĩ "thức ăn tốt" và "thức ăn xấu" trong trẻ, từ đó dẫn đến sự xem nhẹ đối với các lựa chọn lành mạnh hơn.
 

2. Ép trẻ ăn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thúc ép có thể dẫn đến sự sợ hãi trong một giai đoạn hoặc cả tương lai. Bên cạnh đó, trẻ có thể sẽ có ấn tượng xấu với các loại thực phẩm bị ép ăn. 

3. Giấu kỹ những thức ăn không có lợi cho sức khỏe
Các bậc cha mẹ thường làm điều này bởi họ nghĩ rằng trẻ chưa biết cách kiểm soát và có thể sẽ ăn vạ để đòi ăn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều này sẽ kích thích trẻ tìm đến những món ăn bị giấu đi khi bố mẹ vắng nhà. Vì vậy, lời khuyên cho phụ huynh là hãy chỉ mua (và giới thiệu với trẻ) những món ăn vặt có lợi cho sức khỏe và để chúng ở nơi trẻ dễ dàng lấy được.

4. Nấu những món rau tẻ nhạt
Trẻ thường không hào hứng với các món rau, vì thế hãy thêm chút hương vị bằng các loại nước sốt, bơ, phô mai... để tăng thêm tính hấp dẫn cho món ăn. 

5. Chấp nhận rằng con bạn là một người kén ăn
Là cha mẹ, điều quan trọng là không bao giờ nản lòng trong việc khích lệ con có thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Nó có thể khó khăn lúc ban đầu, nhưng sau nhiều nỗ lực, ngay cả những đứa trẻ bướng bỉnh nhất cũng có thể thay đổi suy nghĩ. 

6. Chuẩn bị cho trẻ những suất ăn quá lớn
Sức ăn và dạ dày của con nhỏ hơn nhiều so với bạn, vì vậy đừng đem ra cho con những phần ăn lớn. Làm như vậy lâu dần sẽ khiến con hình thành thói quen ăn uống tiêu cực, ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế của bản thân.

7. Ép con ăn hết khẩu phần của mình
Theo các nghiên cứu, điều này có khả năng gây tác dụng ngược bởi về lâu dài, trẻ sẽ chán ghét các loại thức ăn. Điều này cũng tương tự như việc bạn dùng đồ ăn làm phần thưởng cho con.

8. Không cho con tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để con trở thành người hỗ trợ bạn trong toàn bộ quá trình nấu ăn, từ mua nguyên liệu đến chế biến là một cách hay. Làm như vậy sẽ khuyến khích con thích ăn những thực phẩm lành mạnh.

9. Không cho phép trẻ em chơi với thức ăn của chúng
Cha mẹ thường không thích trẻ chơi/nghịch thức ăn nhưng theo các nghiên cứu, cách này đem lại hiệu quả bất ngờ. Trẻ có nhiều khả năng sẽ thưởng thức bữa ăn ngon miệng nếu đó là những thực phẩm mà chúng từng được phép chơi cùng.

10. Đĩa thức ăn của trẻ ít màu sắc
Nhiều bé thể hiện niềm yêu thích nghệ thuật và thủ công từ nhỏ, chủ yếu do liên quan đến màu sắc. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Cornell, điều tương tự cũng đúng với bữa ăn của trẻ. Khi một đĩa thức ăn chứa đầy màu sắc, trẻ sẽ có xu hướng bị hấp dẫn ngay. Việc tạo hình thức ăn thành khuôn mặt cười hay nhân vật hoạt hình... cũng được đề cao.

11. Là 'tấm gương' kén ăn
Thể hiện là một người kén ăn trước mặt con có thể khiến chúng lặp lại hành động tương tự. Vì vậy, đừng chỉ gọi mãi một món khi ra ngoài ăn cùng con.

12. Cho con ngồi ăn trước tivi
Theo Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, vừa ăn vừa xem tivi có thể khiến trẻ ăn nhiều hơn 10% calo so với nhu cầu thực tế của cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân gây béo phì.

13. Ăn kiêng trước mặt con 
Trẻ em thường thích hoặc không thích các thực phẩm giống như cha mẹ của chúng. Vì vậy, khi một đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ ăn kiêng, trẻ sẽ có nguy cơ bị rối loạn ăn uống trong tương lai.

14. Cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt
Nếu con của bạn thường xuyên có nhu cầu ăn vặt giữa các bữa chính - đừng lo vì đó không phải là trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, ăn một lượng lớn đồ ăn vặt sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ vì trẻ sẽ giảm tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh. Lời khuyên cho bạn là không để trẻ ăn quá hai bữa phụ (100 calo) mỗi ngày.

Hà Nhi (Theo Bright Side)

Đánh giá phiên bản mới