Đừng nhìn họ theo khuôn mẫu |
Cho đến bây giờ, các doanh nhân vẫn được khắc hoạ trên phim ảnh một cách đầy "lý thuyết". Một anh chàng già trước tuổi, đóng bộ nghiêm chỉnh, kè kè thư ký, ngồi 5 phút thì nghe điện thoại hết 4 phút, nói năng khét lẹt mùi họp hành, cả trong tình yêu cũng vậy. Nhưng tôi biết những chàng trai trẻ, mà mới gặp bạn cũng không nghĩ họ là một thương gia.
Doanh nhân đầu chôm chôm
Quần Jeans, áo thun, tóc dựng ngược, đó là anh chàng Khánh, một doanh nhân trẻ có thể tạm gọi là thành đạt. Hình ảnh bây giờ của Khánh không khác thời sinh viên là mấy. Tất nhiên, những lúc có họp hành quan trọng, bao giờ chàng cũng đóng bộ comple, cravat nghiêm chỉnh, mái tóc dựng đứng bất trị được ép gọn gàng.
Năm năm du học Pháp về luật kinh tế và cũng ngần ấy năm làm thêm, đánh hàng buôn chuyến mỗi dịp nghỉ hè đủ để biến anh chàng thành một người khá sành sỏi về các mánh lới kinh doanh. Bỏ lại sau lưng những lời mời gọi cám dỗ từ các công ty Pháp và cả các công ty xuyên quốc gia, Khánh lẳng lặng xách chiếc va-li bé xíu về nước, lẳng lặng ngày 2 buổi lên cà phê Giảng. Và cuối cùng chàng quyết định lập ra công ty chuyên về du học và dịch thuật.
8 giờ sáng và 2 giờ đêm
Một ngày của Khánh thường bắt đầu từ 8 giờ sáng, đối tác làm việc đầu tiên là chiếc điện thoại di động, không phải một mà là hai. Bạn nghĩ nó là điện thoại gì? Hàng "độc" mấy nghìn đô? Không, chỉ là hai chiếc Nokia, giá mỗi chiếc chưa tới 4 triệu đồng. "Cứ 4 tháng lại hỏng một đời điện thoại, đồ xịn xài bao nhiêu cho vừa?" Vừa bấm điện thoại Khánh vừa giải thích. Khánh có tốc độ nhắn tin nhanh khủng khiếp, độc chiêu bấm cùng lúc hai tay hai máy, hoặc chiếc kẹp cổ nói chuyện, hai ngón tay cái múa trên bàn phím chiếc kia (kiểu này, nếu không kinh doanh mà chuyển sang luyện chơi trò rắn săn mồi, Khánh vô địch là chắc). Thì thời đại công nghệ thông tin mà, tất cả đều được giải quyết qua máy hết. Chẳng thế mà riêng tiền nuôi hai chiếc di động hàng tháng đã ngốn mất 7-8 triệu đồng.
Ngó qua tủ quần áo của chàng một chút. Nếu nhìn kỹ mác sẽ thấy toàn hàng hiệu cả, nhưng hoàn toàn không bóng bẩy như đồ của những anh chàng bóng mượt ngày ngày lượn @ vè vè ngoài phố. Còn trong túi Khánh, vẻn vẹn chỉ có chiếc máy tính xách tay HP tuổi thọ 4 năm. Cái lần một mình vi vu xuyên Việt cả tháng trời, công ty của chàng vẫn hoạt động ngon lành chính là nhờ hai "khẩu súng" lúc nãy và chú trợ thủ đắc lực này.
Rồi Khánh leo lên chiếc Ford phóng đến công ty hoặc đi gặp đối tác. Bố mẹ cũng ở thành phố này. Nhưng từ lúc về nước, Khánh thuê một căn hộ ở gần nhà, vừa dễ qua lại, vừa tiếp tục nếp sống độc lập đã có từ thời sinh viên. Vì thế bữa trưa và tối của Khánh thường được giải quyết ở một nhà hàng nào đó.
Tối đến, nhiều lúc phải tranh thủ gặp gỡ bạn làm ăn, nhưng ít nhất cũng là khoảng thời gian ít ỏi Khánh có cơ hội dành cho chính mình. Không phải New Century không khí đặc quánh âm thanh và khói thuốc, cũng không phải một quán rượu của các tay chơi sành điệu. Địa điểm được Khánh đặt trọn niềm tin tưởng là các quán cà phê yên tĩnh, nơi chàng có thể để đầu óc thư thái, giải toả stress, ngắm nhìn những cô gái xinh tươi bàn bên. Đang "bay bổng", lúc lúc chàng lại bị "thức tỉnh" vì chiếc điện thoại réo lên gay gắt. Lại là công việc! Một buổi tối chàng thường di chuyển từ hai đến ba quán, cho tới khi không còn quán ưng ý nào mở cửa mới lên xe về nhà. Thường thì đã là 2 giờ sáng.
Kinh doanh là mốt?
Theo Thị Trường & Tiêu Dùng, lại có một tầng lớp khác trong giới doang nghiệp trẻ, những cô chiêu, cậu ấm được nâng đỡ bởi những ông bố, bà mẹ có chức quyền. Hãy quên đi hình ảnh các cậu ấm sứt vòi, em chã. Mốt hiện nay là đi du học - làm ông chủ trẻ. Chẳng ông bố bà mẹ nào có điều kiện lại không muốn đầu tư cho con cái vào đường học hành, vừa mát mặt, lại đảm bảo tương lai lâu dài. Tính là như vậy, nhưng có những anh chàng học trầy trật mãi mà không tốt nghiệp được, dù sinh viên nước ngoài thường được ưu tiên khá nhiều. Rồi có về nước, thành doanh nhân trẻ, cũng chắc gì biết được mình phải làm gì.
Hiếu, con một ngài có chức sắc nhiều người biết tiếng, quan niệm làm giám đốc đơn giản là biết đủ tên đủ mặt nhân viên, biết ký hợp đồng thư ký đem đến và rút tiền ngân hàng trả lương đúng hạn. Thế nhưng Hiếu vẫn được liệt vào hàng những doanh nhân trẻ giàu thuộc Top đầu của Hà Nội, ngồi mát mẻ trong chiếc xe trong mơ BMW, tối tối tưới Henessy ở các vũ trường. Tiếc rằng đây chỉ là chuyện của hai năm trước, khi bố Hiếu chưa hết nhiệm kỳ.
Nói vậy, không có nghĩa bất cứ cô cậu nào có cha mẹ nâng đỡ đều như vậy. Vũ, giám đốc một công ty tin học, là một điển hình. Có khả năng thực sự, nhưng cũng không phủ nhận rằng những quan hệ nhờ chức vụ của bố mẹ, người thân đã là một yếu tố giúp sức đắc lực cho công việc làm ăn của Vũ.