Ngày 24/1, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy 100% đồng tiền dưới 2.000 đồng và 92% bàn tay người bán thức ăn đường phố nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường tìm thấy trong phân người phân gia súc, là tác nhân gây tiêu chảy.
Tuy nhiên phần lớn người bán thức ăn đường phố đều không quan tâm đến điều đó mà vẫn dùng tay không để bốc thức ăn cho khách hàng. Đây là một trong những nguyên nhân của nhiều vụ đại dịch tiêu chảy cấp xảy ra từ năm 2007 đến nay.
Vi khuẩn E.coli được đánh giá là một trong những loại vi khuẩn có hại nhất trên thế giới, bởi nó là nguyên nhân của một phần ba ca bệnh tiêu chảy trên thế giới. Hơn nữa loại vi khuẩn này không chỉ gây bệnh mà còn có thể gây tử vong cho người bị nhiễm. Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn đã có khả năng gây bệnh nặng.
Triệu chứng chính khi bị nhiễm E.coli là cảm thấy đau thắt bụng bị nôn mửa, thường bắt đầu 3 hay 4 ngày sau khi bị phơi nhiễm. Phần lớn bệnh nhân hồi phục sau vài ngày hay một tuần sau khi mắc bệnh mà không cần đến bác sĩ vì họ không biết mình bị nhiễm loại khuẩn này.
Theo TS. Nguyễn Vân Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để giảm nguy cơ bị ngộ độc thức ăn, bạn nên tuân thủ những hướng dẫn sau:
- Luôn rửa tay trước khi chạm vào thức ăn; không xì mũi cạnh nơi có thức ăn; không để thú vật nuôi vào khu vực nhà bếp và bàn ăn khi đang ăn.
- Trữ thực phẩm cẩn thận, nhất là trong những tháng hè. Vi khuẩn nhân lên rất nhanh nếu thực phẩm bị nhiễm để quá 30 phút trong điều kiện nhiệt độ ấm. Luôn giữ nhiệt độ trong tủ lạnh từ 0 đến 5 độ C.
- Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thức ăn. Nếu quá hạn sử dụng, vứt bỏ thực phẩm đi. Nếu thực phẩm có mùi hoặc không có cảm quan tốt, cũng cần loại bỏ.
Theo Kiến Thức