Nhà chức trách cho biết hơn 300 tín đồ đang cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo Sunni khi kẻ đánh bom cởi bỏ áo khoác chứa chất nổ của mình. Zafar Khan, một sĩ quan cảnh sát, cho biết vụ nổ đã thổi bay một phần mái nhà và những phần còn lại bị lõm xuống, khiến nhiều người khác bị thương.
Lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm đến sáng 31/1 để dọn dẹp đống đổ nát nhằm tiếp cận những người bị mắc kẹt. Mohammad Asim, phát ngôn viên của bệnh viện ở Peshawar, cho biết số người chết tăng lên khi nhiều thi thể được tìm thấy và một số người bị thương nặng đã chết.

Hiện trường vụ đánh bom liều chết ở nhà thời Hồi giáo tại quận Police Lines, thành phố Peshawar, Pakistan ngày 30/1. Ảnh: AP
Cảnh sát chống khủng bố Pakistan đang điều tra làm thế nào kẻ đánh bom có thể vào được nhà thờ Hồi giáo, nằm bên trong khu trụ sở cảnh sát có tường bao quanh là Police Lines. Khu phức hợp này nằm trong khu an ninh nghiêm ngặt của Peshawar, bao gồm các tòa nhà chính phủ khác. Ghulam Ali, thống đốc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nơi Peshawar là thủ phủ thừa nhận "đó là một sai sót về an ninh".
Akhtar Ali Shah, cựu thư ký nội vụ khu vực từng có trụ sở tại Peshawar, nói rằng đó "không phải là cuộc tấn công nhất thời mà là kế hoạch của một nhóm được tổ chức tốt". Ông cho biết những kẻ đứng sau vụ tấn công chắc hẳn đã có sự trợ giúp từ bên trong để tiếp cận khu nhà, và có thể đã vào đó nhiều lần để do thám hoặc thậm chí là cài đặt chất nổ trước. "Đó không phải là lỗi bảo mật mà là sai sót về an ninh. Từ tất cả các cổng vào, bạn phải vượt qua nhiều lớp bảo mật bằng kiểm tra ID", ông nói.
Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Rana Sanaullah Khan cho biết các nhà điều tra nghi ngờ rằng kẻ đánh bom đã được giúp đỡ bởi một người nào đó trong gia đình của các nhân viên chính phủ sống trong khu nhà gần nhà thờ Hồi giáo. Ông cho biết 97 trong số 100 người chết là cảnh sát và 27 sĩ quan cảnh sát vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Vụ đánh bom xảy ra khi Pakistan đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế từ một cuộc bầu cử gây tranh cãi lẫn lũ lụt chưa từng có vào mùa hè năm ngoái, đã giết chết 1.739 người, phá hủy hơn 2 triệu ngôi nhà và có thời điểm nhấn chìm 1/3 đất nước.
Thủ tướng Shahbaz Sharif đã đến thăm một bệnh viện ở Peshawar sau vụ đánh bom và thề sẽ có "hành động nghiêm khắc" chống lại những kẻ đứng sau vụ tấn công. Ngày 31/1, ông bác bỏ những lời chỉ trích chống lại chính quyền của mình và kêu gọi đoàn kết. "Thông điệp của tôi gửi tới tất cả các lực lượng chính trị là đoàn kết chống lại các phần tử chống Pakistan. Chúng ta có thể đấu tranh chính trị sau", ông viết trên Twitter.

Những người khiêng quan tài trong lễ tang của một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: AP
Ngay sau vụ đánh bom, một chỉ huy lực lượng Taliban Sarbakaf Mohmand đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trong một bài đăng trên Twitter. Tuy nhiên vài giờ sau, người phát ngôn của lực lượng Taliban (TTP) Mohammad Khurasani cho biết chính sách của họ không nhắm vào các nhà thờ Hồi giáo, tôn giáo và những người tham gia vào các hành vi khủng bố như vậy có thể phải đối mặt với sự trừng phạt của TTP. Tuyên bố của ông không đề cập đến lý do tại sao chỉ huy TTP trên đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom.
Pakistan, quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công của phiến quân kể từ tháng 11, khi lực lượng Taliban ở Pakistan chấm dứt ngừng bắn với các lực lượng chính phủ. Lực lượng Taliban ở Pakistan là nhóm chiến binh thống trị ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và Peshawar, là nơi thường xuyên xảy ra các vụ tấn công. Vào năm 2014, một nhóm Taliban ở Pakistan đã tấn công một trường học do quân đội điều hành ở Peshawar và giết chết 154 người, chủ yếu là học sinh.
Sơn Nam (Theo AP)