![]() |
Năm 2006 là năm kỷ lục về lợi nhuận, là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của các ngân hàng. Có nhiều sự kiện nổi bật, không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực ngành mà mang tầm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Tựu trung, có thể tổng hợp theo 10 điểm nổi bật dưới đây. 1. Lãi suất đã đến giới hạn Trong các năm 2004, 2005, lãi suất trên thị trường ngân hàng phục hồi và liên tục tăng mạnh. Sang năm 2006, các đợt tăng lãi suất vẫn tiếp diễn và căng thẳng. Có ít nhất 3 đợt tăng lãi suất phổ biến từ đầu năm đến nay, tập trung ở lãi suất huy động USD. Loại hình lãi suất này không nằm trong giới hạn thỏa thuận giữa các ngân hàng thương mại nên có cơ chế mở hơn lãi suất VND. Tuy nhiên, điểm dễ nhận thấy là các bước tăng lãi suất đã được chia nhỏ, thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2005, vì giới hạn đã rất gần. Việc chia nhỏ lãi suất một mặt đảm bảo được cân đối lợi nhuận của ngân hàng, mặt khác tạo ra nhiều bước tăng, tạo cảm giác hấp dẫn, thu hút người gửi tiền. Tuy nhiên, lãi suất đồng USD trên thị trường thế giới đã chững lại, đặc biệt là quan điểm ổn định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Điều này khiến chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường trong và ngoài nước bị rút ngắn, giới hạn sinh lời đã hẹp hơn. Với lãi suất VND, mức tăng và các đợt tăng nhẹ nhàng, thưa thớt hơn, chủ yếu từ các ngân hàng thương mại cổ phần. Nhưng căng thẳng trên thị trường lại tập trung chủ yếu vào loại hình lãi suất này. Hiệp hội Ngân hàng, với vai trò trung gian, đã nhiều lần lên tiếng về sự phá rào thỏa thuận của một số ngân hàng, kể cả ngân hàng quốc doanh. Thậm chí Hiệp hội đã từng lên kế hoạch để các ngân hàng ngồi lại với nhau nhưng không thành công. Cũng như lãi suất USD, lãi suất VND đã sát với giới hạn, giới hạn sinh lời, an toàn của các ngân hàng và rộng hơn là của cả nền kinh tế. Vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất chủ đạo. Các ngân hàng, đặc biệt là khối cổ phần, vẫn tăng lãi huy động VND và phải tăng lãi cho vay đầu ra, gây khó khăn cho các doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, với mức phổ biến hiện nay, lãi suất khó tiếp tục tăng cao vì khả năng chịu đựng của cả hai phía đều có hạn. Mặt khác, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã dịu bớt và khả quan nhất trong vòng ba năm qua. Một diễn biến khác dễ nhận thấy là trong thời điểm cuối năm, một số ngân hàng đã có dấu hiệu giảm nhẹ lãi suất. Dù áp dụng ở một số loại hình, sản phẩm nhưng đó là những dấu hiệu tích cực. 2. Vốn điều lệ tăng nhanh Chỉ mới một năm trước, mốc vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng còn khá xa với các ngân hàng cổ phần. Nhưng, chỉ trong vòng năm 2006, mốc này đã bị đẩy lùi một cách ấn tượng. Và đến nay, có thể đặt ra một mốc mục tiêu mới là 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ của các ngân hàng trong năm 2007. Vốn điều lệ tăng nhanh, một mặt khẳng định hiệu quả hoạt động và tốc độ phát triển của ngành ngân hàng. Nhưng, mặt khác, cơ chế đào thải thể hiện rõ ở mặt này. Ngân hàng Nhà nước có quan điểm không lập mới những ngân hàng nhỏ bé, thậm chí buộc phá sản những ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém. Mới đây nhất, một quy định về mức vốn điều lệ ít nhất từ 1.000 tỷ đồng vào năm 2008 cũng thể hiện rõ quan điểm đó. Các ngân hàng buộc phải tăng vốn nhưng cũng nhiều thuận lợi để tăng vốn. Lợi nhuận cao là một thuận lợi. Thị trường vốn phát triển nhanh cũng là một yếu tố hỗ trợ. Trong năm 2006, một loạt ngân hàng đã tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu và không có thông tin nào nói về thất bại bởi đây là một mặt hàng hót nhất trên thị trường. Một yếu tố khác hỗ trợ, không kém phần quan trọng là nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ các tổ chức tín dụng lớn từ nước ngoài. Techcombank hay VPBank cũng đã thực sự mở rộng quy mô vốn từ nguồn này. 3. Nợ xấu được cải thiện Năm 2006 là năm cuối để chuẩn bị hội nhập lớn, các ngân hàng không thể để nợ xấu làm nặng bước chân trên lộ trình này. Hội nhập và quá trình cổ phần hóa cũng buộc các ngân hàng phải công khai những con số vốn một thời là tế nhị. Năm 2006, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, theo như những gì được công bố. Ước tính, nợ xấu của các ngân hàng thương mại hiện nay ở khoảng 3,2%, giảm gần một nửa so với năm 2005 - năm thực hiện phân loại nợ theo Quyết định 493. Riêng khối ngân hàng cổ phần, nợ xấu chỉ ở khoảng 1%, nhiều ngân hàng phổ biến dưới mức 1%. Dù còn nhiều tranh luận liên quan đến tỷ lệ nợ xấu thực của các ngân hàng thương mại, nhưng sự chuyển biến tích cực là một kết quả cần được khẳng định. Đáng chú ý là sự chuyển biến này sẽ thực chất hơn khi lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước được triển khai; bản chất hoạt động của các ngân hàng thương mại quốc doanh được trả về đúng trọn vẹn với tính chất của một ngân hàng kinh doanh thực sự. 4. Tăng thu hút vốn ngoại Sự đấu tranh của các nhà đầu tư để nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng nội từ 30% lên 49% tạm kết thúc với kết quả không thể thay đổi, ngoài tỷ lệ sở hữu của mỗi nhà đầu tư dự kiến được nâng lên 20% thay vì 10% như hiện nay. Nhưng làn sóng đầu tư từ bên ngoài vào ngân hàng nội vẫn là một cơn sốt nổi bật trong năm 2006. Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank đã lần lượt có đối tác chiến lược nước ngoài. Những đối tác này đã tham gia vào hoạt động của các ngân hàng và thực đã và đang chứng minh hiệu quả lớn của sự tham gia đó. Đây cũng là lý do để các ngân hàng có vốn ngoại lên điểm trong mắt khách hàng, công chúng đầu tư. Nhưng, trong hướng thu hút vốn ngoại năm 2006 lại có một điểm đáng chú ý. Trong quý I/2006, ngay sau thông tin VPBank bán 10% vốn cho OCBC (ngân hàng của Singapore, một trong 3 thương hiệu có giá trị lớn nhất tại nước này), một loạt ngân hàng khác lần lượt tung tin sẽ bán vốn cho những đối tác tương tự, thậm chí “hàng đầu nước Mỹ” “số 1 thế giới”… Và kết quả thì sao? Đó là cổ phiếu của những ngân hàng đó trên thị trường OTC tăng vọt, hình ảnh trở nên bóng bẩy hơn trong mắt nhà đầu tư và khách hàng để rồi cuối cùng “Không bán nữa” như tuyên bố của một Tổng giám đốc mới đây. Và điểm lại, các lợi hẹn “trong năm nay” của những ngân hàng này vẫn chưa hiện thực khi năm 2006 chỉ còn tính từng ngày. Tất nhiên, không phải cuộc thương lượng, đàm phán nào cũng thành công. Nhưng sớm tung tin đón trước là điều cần cân nhắc. Và tất nhiên, sự tự tin của những ngân hàng trên là hoàn toàn có cơ sở, khi mà ngân hàng nội đang là một trong những mục tiêu hấp dẫn nhất đối với các ngân hàng ngoại. Rất có thể trong năm 2006, nguồn vốn đầu tư đó sẽ chảy mạnh hơn và cụ thể hơn. 5. Lợi nhuận vượt trội Có thể dùng nhiều từ để nói về thành công trong lợi nhuận của các ngân hàng năm 2006. Nói một cách cụ thể, mức lời của một ngân hàng cổ phần hàng đầu trong năm nay có thể mua đứt toàn bộ vốn điều lệ của một ngân hàng cơ trung bình trên thị trường. Đó là ACB với mức lãi dẫn đầu khối cổ phần, dự kiến năm nay sẽ đạt ít nhất 600 tỷ đồng. Kế đến là Sacombank với lãi ước trên 520 tỷ đồng. Một ấn tượng khác là Eximbank, ngân hàng vừa tuyên bố vượt qua kỳ chấn chỉnh, cũng có mức lãi dự kiến trên 360 tỷ đồng. Kế đến là Techcombank khoảng 300 tỷ đồng; MB, VIB Bank khoảng từ 200 - 250 tỷ đồng. Các ngân hàng khác cũng lãi 150 - 180 tỷ đồng. Đó là những con số vượt trội so với lịch sử. Nhưng giá trị hơn là sự chuyển biến về chất, đa dạng hóa nguồn lợi nhuận. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, lợi nhuận của các ngân hàng không thể tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tín dụng, mà phải mở rộng từ phí dịch vụ và đặc biệt là từ hoạt động đầu tư. Đây là sự dịch chuyển, đa dạng của một ngân hàng hiện đại và theo sự vận động tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, thời hoàng kim của lợi nhuận có thể sẽ thoái trào sau năm 2006. Đó là sự có mặt ngày càng nhiều các ngân hàng mới; đặc biệt trong năm 2007 các ngân hàng nước ngoài sẽ vào và mở rộng hoạt động, cạnh tranh sẽ lớn, thị phần bị chia sẻ và rất có thể lợi nhuận sẽ qua thời đỉnh cao. 6. Giá cổ phiếu leo thang Trong năm 2006, giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC liên tục nóng sốt, duy nhất có một đợt giảm nhẹ nhưng không kéo dài. Hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận vượt trội, hấp dẫn vốn ngoại… là những tác nhân chính. Tuy giá thị trường OTC không thống nhất nhưng đó là một hàn thử biểu về giá trị của các ngân hàng trong mắt nhà đầu tư. Nếu cuối năm 2005, giá cổ phiếu của VPBank chỉ trên 24.000 - 25.000 đồng thì nay đã vượt trên 60.000 đồng/cổ phiếu. Nổi bật hơn, cổ phiếu Eximbank chỉ từ khoảng 7 - 8 triệu đồng đã vọt lên tới 13 triệu đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu các ngân hàng như MB, VIB Bank, Techcombank, Southern Bank… cũng tăng mạnh, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2006. Lợi nhuận lớn, cổ tức cao, giá cổ phiếu cao là dễ hiểu. Giới đầu tư lao vào săn cổ phiếu ngân hàng vì những ấn tượng đó. Trong năm 2006, động cơ khác rõ hơn là để đón đầu kế hoạch lên sàn của các nhà băng, đón trước xu hướng đầu tư nước ngoài mở rộng trong năm 2007. Trong năm 2006, đã có khá nhiều thông tin bình luận về những đợt sốt cổ phiếu của các ngân hàng thương mại; trong đó nhận định về tình trạng “bong bóng” có, về rủi ro có, về giá trị thực có…; nhưng có một điểm ít được đề cập đến: Giá cổ phiếu ngân hàng tăng cao một phần nói lên niềm tin của nhà đầu tư vào tương lai của các ngân hàng, đặc biệt là trước những lo ngại về cạnh tranh, hội nhập từ năm tới. 7. Lên sàn chứng khoán Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên có mặt trên sàn chứng khoán. Đây cũng là mốc đầu tiên đánh dầu một dòng vận động mới của khối ngân hàng cổ phần: lên sàn. Sau Sacombank, ngân hàng được đánh giá là hấp dẫn đầu tư nhất - ACB - cũng đã chào sàn Hà Nội. Ngoài ra, trong năm 2006 còn có một số ngân hàng khác xúc tiến kế hoạch lên sàn nhưng không kịp hoàn thành. Ngân hàng VIB Bank đã nộp hồ sơ lên sàn Hà Nội. Rất có thể đây là ngân hàng thứ ba có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu VIB Bank kịp lên sàn trong năm 2006 thì đó là một thuận lợi về ưu đãi thuế. Tuy nhiên, một sự chuẩn bị kỹ cho một kế hoạch lớn có ý nghĩa hơn cả. Dự kiến ngân hàng này sẽ chính thức chào sàn vào đầu năm tới, mở đầu cho một năm niêm yết phổ biến của các ngân hàng thương mại. Với thị trường chứng khoán, sự tham gia của cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là rất quan trọng trong việc tạo những nguồn hàng chất lượng, hấp dẫn cũng như tạo thêm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Thực tế thị trường đã có sự chào đón khá đặc biệt đối với cổ phiếu của Sacombank và ACB. Trên thị trường OTC, cổ phiếu ngân hàng sốt cũng xuất phát từ một nguyên nhân đón đầu kế hoạch niêm yết trong năm tới. Ngược lại, thông qua thị trường chứng khoán, thương hiệu và hoạt động của Sacombank hay ACB trở nên nổi bật, tạo nên giá trị thúc đẩy các ngân hàng khác sớm tham gia thị trường. Mặt khác, khi đã lên sàn, hoạt động huy động vốn của ngân hàng càng trở nên thuận lợi hơn. 8. Bùng nổ dịch vụ và phát triển công nghệ Tiếp nối làn sóng đầu tư công nghệ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2005, năm 2006, các ngân hàng bắt đầu bước vào hoàn thiện cơ bản và đưa ra các dịch vụ ứng dụng. Công nghệ thẻ ngày càng hiện đại và tiện ích. Các dịch vụ Internet Banking, Home Banking, Mobile Banking.. đã trở nên phổ biến và khá thông dụng. Ngay trong tháng đầu tiên của năm, “cơn sốt” công nghệ phần mềm T24 của Temenos có khả năng thực hiện tới 1.000 giao dịch/giây, cùng lúc cho phép tới 110.000 người truy cập và quản trị tới 50 triệu tài khoản đã được nhiều ngân hàng tiếp cận. Lượng tiền các ngân hàng đổ vào cho hệ thống công nghệ cũng tập trung mạnh trong năm 2006. Sacombank đầu tư khoảng 4 triệu USD cho việc ứng dụng hệ thống Core Banking; VIB Bank cũng mất hàng triệu USD để hoàn thành dự án hệ thống ngân hàng đa năng SYMBOL do hãng System Access (Singapore) cung cấp; MB cũng mạnh tay cho dự án ứng dụng công nghệ T24 và đưa Internet vào ứng dụng quản lý hệ thống; EAB không tiếc tiền đề đầu tư nghiên cứu những chiếc máy ATM thông minh… Giới quan sát bình luận rằng các ngân hàng buộc phải lên đời công nghệ vì yêu cầu hội nhập, đặc biệt là cho thời “hậu WTO”. Đó là một yêu cầu, nhưng gần nhất và vì mục đích xa hơn, các ngân hàng buộc phải đầu tư công nghệ, tăng cường dịch vụ để tăng thêm nguồn thu khi mà lợi nhuận từ hoạt động tín dụng đang bị chia sẻ, bị hạn chế vì lãi suất cao… Cũng như trên thế giới, lợi nhuận từ phí dịch vụ cũng được các ngân hàng đặc biệt coi trọng không kém với lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính. Công nghệ thẻ, thanh toán và gần đây là công nghệ quản lý tài chính doanh nghiệp, tài chính cá nhân đang và sẽ mang lại những nguồn thu lớn cho ngân hàng. Đây được đánh giá là những nguồn thu bền vững và sẽ mở rộng nhanh chóng trong tương lai. 9. Chuẩn bị hội nhập lớn Vào WTO là cuộc hội nhập lớn của cả nền kinh tế. Nếu nhiều ngành hàng khác đã được thử lửa, tập dượt với sân chơi AFTA, thì các ngân hàng lại có sự hội nhập thực sự mới và rộng mở. Có thể coi năm 2006 là giai đoạn cuối cho sự chuẩn bị hội nhập. Điểm yếu của các ngân hàng trong nước đã được phân tích khá nhiều: tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị, khả năng công nghệ… Nhìn lại, năm 2006 thực sự là năm các ngân hàng dồn sức khắc phục những điểm yếu này. Quy mô vốn của các ngân hàng đã có quy mô mới, năng lực tài chính cũng dẫn được nâng cao và công nghệ đã và đang được đầu tư xứng đáng. Về quản trị, bước đầu các ngân hàng lớn trong nước đã có những đối tác chiến lược tầm cỡ trên thế giới giúp sức. Về phía Ngân hàng Nhà nước, một nghị định mới về quản trị các ngân hàng thương mại theo chuẩn thế giới cũng đang được xây dựng và chuẩn bị ban hành. Về cơ bản, nhiều ngân hàng trong nước đã có được sự chủ động cần thiết. Tâm điểm lo ngại hiện nay đang tập trung vào những ngân hàng mới thành lập, hoặc vừa chuyển đổi từ ngân hàng cổ phần nông thôn sang ngân hàng đô thị, quy mô vốn còn nhỏ, thị phần còn hạn chế. Tuy nhiên, một Tổng giám đốc ngân hàng trong số này từng tuyên bố rằng, nếu lấy thời điểm hội nhập WTO làm vạch xuất phát thì các ngân hàng đều giống nhau. Tất nhiên, vào WTO, không phải các ngân hàng nước ngoài sẽ ồ ạt cùng vào, cùng cạnh tranh và thôn tính, mà sẽ có sự điều tiết theo tiềm năng của thị trường. Mặt khác, sự hội nhập không chỉ đơn thuần cạnh tranh mà còn là hợp tác và cung phát triển. Và với sự chuẩn bị trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2006, phần lớn các ngân hàng Việt Nam sẽ tự tin nhập cuộc. 10. Cổ phần hóa Vietcombank lỡ hẹn Kế hoạch cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank đã không thể thực hiện như dự kiến ban đầu. Cổ phiếu Vietcombank không thể xuất hiện trên thị trường trong năm nay. Vấn đề không bó hẹp trong phạm vi một ngân hàng thương mại, mà mang ý nghĩa lớn về chủ trương, hiệu quả và tiến độ cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh. Vietcombank lỡ hẹn, chủ trương cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh bước đầu lỡ hẹn vì chưa có tiền lệ, vì còn những vướng mắc về thủ tục pháp lý, về cân nhắc lợi ích… Sự chậm trễ này đã gây thất vọng với nhiều nhà đầu tư, nhất là khi họ đang nắm trong tay trái phiếu chuyển đổi Vietcombank với lãi suất chỉ chưa bằng 2/3 mặt bằng chung của thị trường. Sự chậm trễ đó cũng ít nhiều mài mòn tâm lý chờ đợi của giới quan sát. Tuy nhiên, về chủ trương chung, những tín hiệu tích cực cũng đã được đưa ra trong năm 2006, khi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cổ phần hóa toàn bộ các ngân hàng thương mại quốc doanh với lộ trình dự kiến từ năm 2007 và sau năm 2008. Vietcombank sẽ cổ phần hóa xong trong năm 2007, muộn nhưng sẽ là một tiền lệ đầu tiên thúc đẩy quá trình nối tiếp các ngân hàng còn lại. (Theo Thời Báo Kinh Tế VN) |