Biến nhà hàng trở thành huyền thoại Các nhà hàng thường cố gắng tự gắn một huyền thoại nào đó để trở nên nổi bật so với số còn lại. Ví dụ như: một quán cà phê có vị đầu bếp nắm giữ bí quyết làm bánh donut kiểu Ba Lan, quán cà phê khác đơn giản chỉ làm bánh donuts bình thường. Rất nhiều khách đã chọn nhà hàng của vị đầu bếp kia nhưng sau đó họ phát hiện ra hương vị của hai chiếc bánh chẳng khác gì nhau, thậm chí chiếc bình thường còn ngon hơn. Thực đơn thiết kế cho mọi loại đối tượng khách hàng Bạn có bao giờ để ý rằng thực đơn của các nhà hàng và quán cà phê luôn dành một phần cho những người ăn chay. Việc làm này giúp cho mọi người đến quán đều có thứ nào đó phù hợp để ăn. Thông thường, mọi menu đều có một vài món thời thượng, đang hot, một vài món bổ dưỡng dành cho những ai yêu thích phong trào ăn healthy, một vài món ăn nhẹ dành cho những ai không muốn ăn quá nhiều... Nếu ai cũng ăn uống vui vẻ, nhà hàng sẽ rút được hầu bao của bạn nhiều hơn. Do đó, thực đơn rất quan trọng. Đầu tư âm nhạc Theo nghiên cứu, thực khách có xu hướng ăn nhiều hơn khi sống trong môi trường có âm nhạc du dương. Khi đó, hệ thần kinh cảm thấy thư thái, thoải mái, hệ tiêu hoá hấp thụ tốt, giúp bạn có cảm giác ăn ngon miệng và muốn ăn thêm. Thậm chí, với nhạc giao hưởng hay nhạc cổ điển - loại nhạc cao cấp hơn thì thực khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn 10% để trả cho "đẳng cấp" của bữa ăn đó. Ngoài ra, mỗi loại nhạc cũng phù hợp với các phong cách ẩm thực khác nhau: nhạc Pháp phù hợp để bán rượu vang, dân ca Ireland thích hợp để bán bia. Chiêu tăng 10% giá trị đơn hàng Mỗi người thường vô thức để cho bản thân tiêu quá 10% số tiền mà họ dự định ban đầu. Các nhà hàng rất biết tận dụng điều này. Họ chia nhỏ các thành phần của món ăn như nước sốt, salad đi kèm... hay các loại topping của trà sữa như trân châu, kem phô mai, thạch... và hỏi khách có muốn dùng thêm hay không. Phần lớn thực khách sẽ "mắc bẫy" này mà đồng ý mua thêm vì tâm lý sợ món ăn chưa đủ ngon hoặc do nhân viên hỏi và bạn vô thức gật đầu, đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Ngoài ra mức giá các thành phần phụ này khá rẻ nên họ thường quyết chi tiêu rất nhanh. Menu nhỏ gọn Quá nhiều món ăn trong cuốn thực đơn dày sẽ khiến khách hàng bối rối. Nhà tư vấn nhà hàng Aaron Allen nói rằng: "Thực đơn quá tải giống với việc 'tra tấn' thực khách để đọc và bối rối chọn lựa, khiến họ ít nhiều chưa hài lòng và nghi ngờ rằng liệu mình chọn món ăn như vậy có đúng hay không. Do đó, thực đơn tốt nhất là nên in trên một trang". Thái độ nhiệt tình và tích cực của nhân viên Những người phục vụ luôn biết rằng, khách hàng sẽ đánh giá cao nếu họ bắt đầu cuộc đối thoại bằng một câu nói tích cực, ngay cả khi chỉ nói về thời tiết hôm đó. Mẹo nhỏ này có thể giúp tăng hiệu quả tới một phần ba: 30% khách hàng cảm thấy thích ngay nhà hàng đó nếu ấn tượng tốt về nhân viên phục vụ từ câu nói đầu tiên. Tận dụng danh tiếng của đầu bếp Danh tiếng của những vị đầu bếp thường rất có sức ảnh hưởng. Bất kỳ món ăn nào được đóng mác "đặc sản của đầu bếp" sẽ luôn nổi bật trong mắt khách hàng khiến họ nhanh chóng chọn lựa. Đó là chưa kể đến một số món ăn đặc biệt còn được đích thân các đầu bếp bưng ra bàn. Do đó, một số phục vụ còn đóng giả làm đầu bếp khi đứng trước khách hàng. Marketing bằng mùi hương Tương tự như âm nhạc, mùi hương cũng ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Ngay cả vào nhà hàng với một kế hoạch cụ thể, mùi hương quyến rũ cũng có thể khiến bạn thay đổi ý định. Mùi vani và quế được ghi nhận là giúp làm tăng doanh thu của các món tráng miệng. Mùi thịt xông khói khiến thực khách gọi nhiều món cho bữa sáng hơn. Hoa oải hương dùng để cho khách thư giãn, khi tâm trí thoải mái, họ sẽ không ngừng chi tiêu mạnh tay hơn. Do đó, các nhà hàng luôn sử dụng các loại tinh đầu hay tăng cường một số mùi để chúng bay vào phòng ăn của khách. Dọn bát đũa bẩn thật nhanh Những người phục vụ luôn cố gắng dọn thật nhanh các bát đĩa bẩn, còn thừa trên bàn khi bạn đang ăn. Tất nhiên, việc làm này là tốt vì chẳng ai muốn ngồi ăn với la liệt bát đũa bẩn của các món vừa ăn xong. Nhưng có một lý do khác nữa là nếu có quá nhiều bát đũa trên bàn, bạn sẽ có tâm lý nghĩ rằng mình đã gọi quá nhiều món và sẽ không gọi tiếp nữa. Trong khi đó, sau khi phục vụ dọn hết bát đũa, nhiều người có thể thấy hơi "trống vắng" mà gọi thêm đồ ăn. Thủ thuật tiền lẻ Không phải tất cả các phục vụ bàn đều sử dụng chiêu này, tuy nhiên nó khá phổ biến. Đó là sau khi khách đưa tiền thanh toán, người phục vụ cố gắng đi thật lâu, để những thực khách gấp gáp sẽ bỏ qua tiền thừa. Hoặc họ cũng dùng cách trả lại bằng những tờ tiền có "ngoại hình" xấu xí để bạn nhanh chóng bỏ qua, không muốn nhận lại số tiền thừa này.