Ứng xử của người đó trong các tình huống gây căng thẳng
Tình huống gây căng thẳng giữa hai người có thể là một sự việc nhỏ hoặc lớn và cần sự phản hồi ngay lập tức. Khi chuyện xảy ra, điều quan trọng là bạn và đối phương phải có cách hành xử bổ khuyết cho nhau.
Điều đó sẽ giúp cả hai tránh được những hành động hấp tấp và phản ứng quá chậm. Ví dụ, nếu bạn bốc đồng và nóng nảy trong những tình huống căng thẳng, người còn lại bình tĩnh sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn thay vì kết luận sai lầm khi bị cảm xúc lấn át.
Cách suy nghĩ
Bạn và nửa kia đều là những người trưởng thành và tự lập, mỗi người đều có quan điểm, sở thích riêng. Các quan điểm này có thể giống hoặc hoàn toàn khác nhau. Và khi yêu, bạn phải hiểu rằng suy nghĩ và cảm xúc của đối phương không giống bạn.
Đừng bao giờ đưa ra quyết định cho cả hai người và đừng cho rằng bạn có thể dễ dàng đọc được suy nghĩ của đối phương. Điều đó là sai. Đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời là chìa khóa cho một mối quan hệ lành mạnh, hài hòa.
Các yêu cầu
Đừng mong đợi nửa kia đọc được suy nghĩ của bạn. Hãy cởi mở và trung thực với những người thân thiết, cũng như chia sẻ cảm xúc và lo lắng của bạn với họ.
Ví dụ, nếu bạn muốn ôm, hãy nói với anh ấy về điều đó thay vì đợi anh ấy đoán xem bạn muốn gì. Nhưng hãy nhớ rằng bạn chỉ có trách nhiệm nói lên yêu cầu hoặc mong muốn của mình. Nửa kia của bạn có thể hành động theo ý muốn riêng, có tính đến nhu cầu và mong muốn của anh ấy.
Không gian cá nhân
Nếu bạn luôn dành thời gian cho nhau, tất cả các hoạt động chung cuối cùng sẽ trở thành một thói quen và nửa kia cũng sẽ trở thành một phần của thói quen này. Hai bạn nên khuyến khích nhau phát triển sở thích cá nhân và tìm ra những điểm chung. Dành ra một đến hai ngày mỗi tuần để cùng nhau làm điều gì đó thú vị là cách để có mối quan hệ bền chặt.
Kế hoạch cuộc sống
Mục tiêu, mong muốn và khát vọng của hai bạn trong cuộc sống có thể không giống nhau. Tuy nhiên, sẽ thật tuyệt nếu định nghĩa và hiểu biết về thành công của nửa kia giống bạn ở một mức độ nào đó. Nếu bạn đang có kế hoạch tiếp tục xây dựng sự nghiệp của mình cho đến năm 40 tuổi nhưng bạn đời lại mơ ước có ba đứa con càng sớm càng tốt, hai bạn sẽ có nhiều cuộc tranh luận trong cuộc sống gia đình. Vì vậy, các bạn cần thảo luận về những ưu tiên trong cuộc sống của mình càng sớm càng tốt.
Mối quan hệ với bạn bè
Bạn bè là một phần quan trọng trong cuộc sống của bất kỳ người nào, và từ chối họ đồng nghĩa với việc đánh mất một điều quan trọng. Một người thật lòng yêu bạn sẽ luôn đối xử tôn trọng với bạn bè của bạn, ngay cả khi người ấy không thích bạn bè của bạn cho lắm. Cách cư xử này sẽ cho thấy mức độ trưởng thành và biết quan tâm đến người khác của một người.
Mối quan hệ với người thân
Người thân là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta hơn cả bạn bè. Vì vậy, nếu có mối quan hệ tốt với gia đình nửa kia, đó sẽ là chìa khóa cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bạn. Nếu bạn thường xuyên cãi vã với cha mẹ của người yêu, nó sẽ trở thành lý do dẫn đến xung đột giữa bạn và người ấy.
Biết tranh cãi lành mạnh
Xung đột lành mạnh là một phần của mối quan hệ lành mạnh. Nếu bạn đang hẹn hò với ai đó và có kế hoạch không để xảy ra tranh cãi, rất có thể cuộc tranh luận đầu tiên sẽ khiến mối quan hệ của bạn tan vỡ. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm ra các phương án giúp giải quyết xung đột và thảo luận chúng với nửa kia.
Quan tâm đến thành công của nhau
Không có gì tồi tệ hơn việc sống với một người làm giảm sút thành tựu của bạn trong công việc, đời sống riêng và không quan tâm đến thành công của bạn. Với các cặp vợ chồng hài hòa và hạnh phúc, cả hai cảm thấy vui vì những thành công của nhau và truyền cảm hứng cho nhau để đạt được những mục tiêu mới.
Thỏa hiệp
Nếu bạn không biết nhường nhịn người ấy về những điều nhỏ nhặt (và ngược lại), cả hai sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn khó giải quyết và kết quả là chia tay.
Hằng Trần (Theo Bright Side)