Phố Hàng Đào. |
Sau khi tuyến phố hoạt động ổn định, sẽ tổ chức thêm vào tối chủ nhật và ngày khác trong tuần. Trong thời gian đó, phương tiện ôtô, xe máy, xe đạp bị cấm lưu hành trên tuyến phố này, các hộ dân sống tại đó phải dắt xe vào nhà mình.
Theo VnExpress, quận Hoàn Kiếm đã tính toán nơi gửi phương tiện cho du khách tại bãi xe Gia Ngư, chợ Đồng Xuân, Gầm Cầu, lòng đường Hàng Giấy, và đỗ ôtô tại hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân, tuyến Trần Nhật Duật, tuyến Phùng Hưng.
Ngoài ra, sắp xếp chỗ để xe ở 2 đầu tuyến phố dưới lòng đường, người dân trong phố đi bộ được để xe máy, xe đạp trên hè. Ngoài kinh doanh hai bên đường, tuyến phố đi bộ sẽ cho phép người dân kinh doanh sạp di động ở giữa đường, dành lối đi hai bên rộng 3-3,5 m cho khách bộ hành. Mặt hàng kinh doanh chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, hàng Việt Nam chất lượng cao, điện máy, hàng phục vụ khách du lịch...
Cũng theo đề án, giao thông trên tuyến đi bộ sẽ phải điều chỉnh khác với hiện nay. Phố này đang có 4 tuyến xe buýt đi qua sẽ phải chạy sang các đường Cầu Gỗ, Nguyễn Hữu Huân, Trần Nhật Duật, Hàng Đậu hoặc phố Lương Văn Can - Hàng Cân - Hàng Bông - Chả Cá - Hàng Lược - Hàng Đậu. Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất tuyến Lương Văn Can - Hàng Cân - Chả Cá - Hàng Lược từ 1 chiều thành 2 chiều vào giờ tuyến phố đi bộ hoạt động.
Theo ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, tuyến phố được chọn vốn là trung tâm thương mại sầm uất của quận Hoàn Kiếm lại mang đặc trưng về lịch sử, kiến trúc, văn hoá truyền thống. Nếu trở thành phố đi bộ sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan, mua bán hàng hoá, người dân trong khu vực được hưởng lợi nên dễ đồng thuận. Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Hoàng Ân cũng khẳng định, tuyến phố đi bộ sẽ tạo cơ hội phát triển du lịch, kinh tế, thương mại, làm cho bộ mặt thành phố văn minh hơn.
Tuy nhiên, đây là tuyến giao thông chính trong khu phố cổ (mỗi giờ có tới 6.000-6.500 ôtô, xe máy tham gia giao thông) nên việc tổ chức giao thông tại khu vực này là vấn đề khá nan giải. Theo ông Trần Danh Lợi, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính, nếu số phương tiện này chuyển sang đi các phố Lương Văn Can, Trần Quang Khải... thì chưa ổn bởi có thể lại gây ùn tắc ở khu vực này. Ngoài ra, lòng đường các tuyến phố này Hàng Ngang, Hàng Đào hiện chưa đáp ứng yêu cầu là phố đi bộ, cần phải sửa chữa, nâng cấp thêm.
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Ban quản lý phố cổ cũng cho rằng, nếu tổ chức không tốt thì tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang sẽ bị mai một nét văn hoá truyền thống, bán đủ chủng loại hàng hoá thay vì truyền thống vốn là phố chuyên tơ lụa. Theo bà Quỳnh, tuyến phố đi bộ đang xây dựng chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài phải tổ chức không gian đi bộ.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục bàn bạc với các ngành chức năng để thống nhất phương án thực hiện tuyến phố đi bộ. Sở Giao thông công chính và Công an thành phố phải nghiên cứu tổ chức giao thông đi qua khu vực này.