Trong hai ngày, các tỷ phú, doanh nghiệp và thường dân Pháp đã hứa chi tổng cộng khoảng 1 tỷ USD để phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris sau hỏa hoạn 15/4. Điều này minh chứng công trình hơn 850 tuổi đặc biệt thế nào trong lòng người Pháp.
Nhưng việc đổ tiền còn dấy lên câu hỏi từ phía các tổ chức từ thiện, chính trị gia và nhà bình luận, về lý do chủ doanh nghiệp cho đi nhiều trong thời gian ngắn như vậy, gồm nghi vấn họ có thể tránh được một khoản thuế từ đóng góp từ thiện.
Người dùng mạng xã hội, trong và ngoài Pháp, bày tỏ bức xúc khi thảm họa những nơi khác – như vùng chiến sự Syria hay Iraq khiến nhiều người tị nạn – không hưởng hỗ trợ tài chính tương đương.
Cá nhân quyên góp đầu tiên cho Nhà thờ Đức Bà là tỷ phú Francois-Henri Pinault, chủ tập đoàn Kering, đơn vị sở hữu thương hiệu Gucci và Saint Laurent. Ông Pinault, 56 tuổi, là người nổi tiếng một phần nhờ làm chồng diễn viên Salma Hayek. Ông cam kết chi 100 triệu euro (113 triệu USD) trùng tu nhà thờ trong lúc nó vẫn đang cháy - một quyết định chi phối bởi cảm xúc, theo người phát ngôn công ty quản lý tài sản gia đình Pinault.
Vài giờ sau, đối thủ kinh doanh của Pinault lên tiếng. Người giàu nhất Pháp, Bernard Arnault, hứa rút túi 200 triệu euro sửa nhà thờ. Ông chủ tập đoàn LVMH, sở hữu Louis Vuitton, đã xúc động trước hình ảnh thảm khốc chiếu trên truyền hình.
Tiếp theo, người giàu nhì Pháp, Francoise Bettencourt-Meyers, vào cuộc. Gia đình Bettencourt-Meyers là cổ đông chính của hãng mỹ phẩm L'Oreal và cam kết trích 200 triệu euro tài sản cá nhân và công ty ra đóng góp.
Các chuyên gia nhãn hiệu đánh giá phản ứng nhanh của các đế chế kinh doanh Pháp có thể hiểu được, vì thảm họa vừa xảy ra liên quan đến một biểu tượng đất nước. Adrian Palmer, trưởng khoa marketing và quản lý nhãn hiệu của trường Kinh doanh Henley – ĐH Reading (Anh), cho rằng ba gia đình tỷ phú và tập đoàn gắn liền với thương hiệu quốc gia, và khi tuyên bố quyên tiền rộng khắp, sẽ càng củng cố liên hệ đó.
"Những nhãn hiệu này đại diện cho nước Pháp để bán hàng toàn cầu, nên bất cứ điều gì đưa hình ảnh Pháp vào tâm trí đám đông sẽ giúp họ và cách họ được biết đến", ông Palmer nói. "Nó gây ấn tượng tốt trong lòng công chúng, rằng họ hào hiệp, quan tâm và tốt bụng".
Nhiều ý kiến Twitter cho rằng các doanh nghiệp nên trích tiền cho châu Phi hay đối phó biến đổi khí hậu. Họ tin sự hào phóng dành cho cho nhà thờ không hơn chiêu marketing là mấy.
Chuyên gia Palmer cho biết kể cả không nhìn nhận từ góc độ marketing, việc nhanh chân đóng góp có lợi cho công ty về mặt chính trị. Ba công ty nói trên đều là những đơn vị công khai ủng hộ tổng thống Emmanuel Macron và có thể lấy lòng bằng cách sớm hưởng ứng lời kêu gọi xây lại nhà thờ của ông.
Hưởng lợi miễn trừ thuế?
Ở Pháp, các khoản đóng góp từ thiện được trừ thuế 60%. "Người dân sẽ gánh chi phí đó", thành viên quốc hội Pháp chịu trách nhiệm tài chính, Gilles Carrez, cho hay.
Gia đình Pinault hôm thứ tư đã ra thông cáo rằng đang khước từ bất cứ lợi ích thuế nào có thể hưởng từ việc quyên góp cho Nhà thờ Đức Bà. Trong khi đó, LVMH, tập đoàn được khấu trừ thuế lớn từ xây dựng Quỹ Louis Vuitton phía tây nước Pháp, phủ nhận động cơ đơn thuần làm đẹp hình ảnh thông qua đóng góp. Họ trả lời Reuters: "Vấn đề ở đây là làm sao gây quỹ nhiều nhất để giải quyết chuyện cấp bách, hơn là tính toán thuế hay kế toán doanh nghiệp".
Gia đình Bettencourt-Meyer từ chối bình luận về khoản đóng góp.
Ba gia đình Pháp và công ty của họ từ lâu gắn với việc quyên góp cho các hoạt động nghệ thuật và văn hóa Pháp. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi riêng ba nhà này đã chung tay 500 triệu euro cho nhà thờ mới cháy – một tuyệt tác kiến trúc Gothic từ thế kỷ 12.
Trên Facebook và Twitter, và cả ở nghị trường Hội đồng Châu Âu, chất vấn được dành cho việc tại sao sự hào phóng nhanh chóng đến với một thảm họa mà không có ai chết.
"Chúng tôi rất gắn bó với nơi từng cử hành đám tang Cha Pierre", tổ chức từ thiện cho người vô gia cư Abbe Pierre Foundation nói về Nhà thờ Đức Bà Paris. Tổ chức này được đặt theo tên linh mục Pierre, tang lễ năm 2007 của ông trong Notre Dame có sự tham dự của tổng thống Pháp. Họ viết trên Twitter: "Nhưng chúng tôi cũng trung thành với tâm nguyện của Cha. Nếu chỉ một phần trăm số tiền đó đến tay người vô gia cư, chúng tôi đã lấy làm cảm động".
Phát biểu với các nhà lập pháp châu Âu hôm 16/4, nhà hoạt động khí hậu tuổi teen Greta Thunberg – người được đề cử Nobel Hòa Bình năm nay – nói cô không xem nhẹ thảm họa cháy Nhà thờ Đức Bà, nhưng ước rằng việc dốc tiền tương tự được dành đối phó vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Giáo sư quản lý nhãn hiệu Thụy Sĩ Markus Renner đặt ra câu hỏi với Pinault, Arnault và Bettencourt: "Sao không chờ và xem cần đến bao nhiêu tiền rồi mới có động thái?". Ông Renner chỉ ra thực tế các tỷ phú này và công ty của họ có thể chọn đóng góp trong im lặng, nhưng không làm vậy.
Nếu hỏa hoạn cháy Nhà thờ Đức Bà Paris được bảo hiểm chi trả, tiền quyên góp trùng tu có thể không cần đến.
Thanh Tùng (Theo Reuters)