Thông thường những mặt hàng chịu tác động sớm nhất của đợt tăng giá là lương thực, thực phẩm và những vật phẩm thuộc nhu cầu thiết yếu. |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, so với năm 2005, kinh phí nhà nước dành trả lương tăng thêm trong 3 tháng cuối năm 2006 dự kiến vào khoảng 6.000 tỷ đồng; năm 2007 là 26.000 tỷ đồng.
Một phần kinh phí rất quan trọng để chi tăng lương lần này, đó là tiết kiệm từ chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đối với từng cơ quan hành chính, từng đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh thành phố; từ số thu được để lại theo chế độ của đơn vị sự nghiệp có thu và từ tăng thu ngân sách địa phương.
Với doanh nghiệp, kinh phí điều chỉnh lương sẽ tính vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh? Theo Trưởng ban lao động tiền lương, Tổng công ty Điện lực Việt Nam Phạm Văn Minh, “tăng lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng đến phần chi trả đóng góp bảo hiểm xã hội cho 82.000 cán bộ công nhân viên trong ngành. Tổng quỹ tiền lương của ngành điện vẫn vậy”.
Doanh nghiệp tư nhân có bị ảnh hưởng đến kế hoạch và chuẩn bị “tiền” cho việc tăng lương này thế nào? Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Tổng giám đốc công ty Biti’s cho biết, toàn hệ thống Biti’s sử dụng 9.000 lao động. Mỗi năm, công ty tăng lương từ 12%-15%. Đợt tăng lương này là hơi đột ngột nhưng không ảnh hưởng lớn đối với Biti’s.”
Dù Nhà nước có tăng lương hay không, doanh nghiệp vẫn phải tìm cách tăng thu nhập cho người lao động.
Theo kết quả điều tra lao động việc làm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố cuối năm 2005, cả nước có 11,1 triệu lao động làm công ăn lương.
Nếu trừ đi hơn nửa triệu người làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì còn hơn 10 triệu người thuộc đối tượng được điều chỉnh lương (hiện khối Doanh nghiệp nhà nước với khoảng 6 triệu người hưởng theo hợp đồng, lương khoán đã được tính toán điều chỉnh từ đầu năm).
Nhận định của Bộ Lao động thương binh và xã hội, điều chỉnh lương sẽ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người hưởng lương, nhất là những người hưởng lương từ ngân sách và người nghỉ hưu.
Tuy nhiên, khi được hỏi, bà Dương Thị Dần, công tác tại công ty May Thăng Long, công nhân về hưu đã 6 năm nay lại thẳng thắn: "Nếu được lựa chọn, tôi chỉ cần giá cả yên ổn, còn hơn cứ tăng được trăm ngàn tiền lương thì giá cả, chi phí lại tăng lên từ gấp rưỡi đến gấp đôi".
Gần 1 tháng sau khi Quyết định điều chỉnh tăng lương tối thiểu được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, hiệu ứng “tăng lương - tăng giá” đã bắt đầu.
Trong số các mặt hàng tiêu dùng ngoại trừ đồ điện tử, điện lạnh không tăng do tác động giảm thuế theo lộ trình AFTA, còn lại nhạy cảm và “ăn theo” nhanh nhất phải kể đến các dịch vụ ăn uống, trông xe, rửa xe, cắt tóc gội đầu với việc nhấc thêm từ 1- 2 nghìn đồng/lần phục vụ hay thêm vào giá thành cũng từ 1-2 nghìn đồng/bát phở, bún, miến.
Giá lương thực, thực phẩm có tại các chợ đầu mối có tăng nhưng chủ yếu do tác động của thời tiết, dịch cúm gia cầm.
(Theo Tiền Phong)